Viêm màng não ở trẻ em: Cảnh báo căn bệnh nguy hiểm phụ huynh cần biết

Viêm màng não ở trẻ em được coi là một trong những căn bệnh có mức độ nguy hiểm lớn bởi tỷ lệ tử vong cao cũng như những di chứng mà chúng để lại rất nặng nề, chẳng hạn: nhiễm trùng máu, khiến hệ thần kinh, não bộ tổn thương vĩnh viễn,... Bởi vậy, nhận biết nguyên nhân, triệu chứng, điều trị và phòng ngừa là điều phụ huynh cần quan tâm.

1. Viêm màng não ở trẻ em là gì?

Màng não có cấu tạo gồm 3 lớp: màng cứng, màng nhện và màng mềm với chức năng bảo vệ hệ thần kinh trung ương. Viêm màng não là tình trạng sưng, viêm màng não, màng bao phủ não và tủy sống khi tác nhân gây bệnh tấn công vào lớp màng não.

Viêm màng não có thể xảy ra ở có thể xảy ra ở cả người lớn và trẻ em bởi nhiều nguyên nhân khác nhau gồm: vi khuẩn, virus, ký sinh trùng, nấm và một số bệnh lý không nhiễm trùng. 

Ngoài cách phân loại dựa trên nguyên nhân gây bệnh, viêm màng não ở trẻ em có thể được phân loại theo mức độ nghiêm trọng của bệnh gồm cấp tính, mãn tính, bán cấp và tái diễn.

2. Những nguyên nhân nào dẫn tới bệnh viêm màng não ở trẻ em?

Viêm màng não là hiện tượng lớp màng bao phủ não và tủy sống bị tác nhân gây bệnh tấn công gây sưng, viêm. Bất kể đối tượng là người lớn hay trẻ em đều có thể gặp tình trạng này.

Cụ thể các nguyên nhân dẫn tới bệnh được chỉ ra bao gồm:

- Sự tấn công của vi khuẩn Hib (Haemophilus Influenzae type B):

Là tác nhân gây bệnh chủ yếu với đối tượng trẻ từ 1 tới 3 tuổi mà chưa được tiêm phòng. Bởi tồn tại ở mũi và họng nên qua con đường hô hấp, vi khuẩn có thể lây lan dễ dàng, tạo dịch rộng. Tác nhân này thường có thời gian ủ bệnh ngắn và thường gây tử vong ngay trong những ngày đầu bị mắc.

- Do phế cầu khuẩn (Streptococcus pneumoniae):

Không chỉ là viêm màng não, loại phế cầu khuẩn này còn có thể gây ra nhiễm trùng huyết hay viêm phổi, đặc biệt cho cho trẻ dưới 5 tuổi, tỷ lệ tử vong có thể lên tới 30%.

Loại vi khuẩn này thường tồn tại trong hầu họng và theo thống kê của CDC Hoa Kỳ, khoảng 70% trẻ khỏe mạnh được phát hiện có sự tồn tại của phế cầu khuẩn trong mũi họng.

- Mô cầu khuẩn:

Mô cầu khuẩn có thể gây bệnh cho con người ở nhiều cơ quan khác nhau, chẳng hạn: màng tim, hệ thần kinh, hô hấp, khớp, máu hoặc đường tiết niệu,... Trong đó, nhiễm trùng huyết và viêm màng não mủ là phổ biến và nguy hiểm hơn cả, có thể dẫn tới tử vong nhanh chóng.

Viêm màng não ở trẻ em với nguyên nhân do mô cầu khuẩn thường dẫn tới những triệu chứng đột ngột, chẳng hạn: đầu đau dữ dội, nôn, cổ cứng, sốt và đặc biệt là xuất hiện các nốt ban.

Mô cầu khuẩn có 4 type gây bệnh chính, được gọi là A, B, C, D. Trong số 4 type này thì chủng A và B là phổ biến nhất. Ngoài ra, các type W-135, X, Y, Z cũng có khả năng gây nên bệnh nặng dù độc lực của chúng ít hơn.

- Một số nguyên nhân khác:

  • Nấm: chủ yếu là Cryptococcus, không có khả năng lây lan, thường gặp với những trường hợp hệ miễn dịch suy giảm hoặc người bị HIV/AIDS.
  • Ký sinh trùng hoặc do dị ứng với thuốc hay là hậu quả của một số bệnh như: ung thư hoặc u hạt,...

3. Dấu hiệu viêm màng não ở trẻ em

Tùy theo mức độ nghiêm trọng, nguy hiểm của loại viêm màng não mà trẻ mắc phải và độ tuổi của trẻ khi mắc bệnh, viêm màng não ở trẻ em sẽ có những biểu hiện sau:

- Đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 1 tuổi:

  • Trẻ sốt cao;
  • Quấy khóc bất thường, liên tục;
  • Khó chịu, cáu gắt;
  • Lờ đờ, uể oải, có xu hướng muốn đi ngủ nhiều hơn;
  • Không muốn chơi đùa, cử động, phản xạ chậm chạp;
  • Bỏ bú, chán ăn;
  • Thóp đầu phình to bất thường.

Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ khi bị viêm màng não, trẻ sẽ quấy khóc nhiều, khó dỗ dành, thậm chí, trẻ có thể khóc dữ dội hơn khi được bế lên.

- Đối với trẻ lớn hơn, không mắc các bệnh suy giảm miễn dịch:

  • Đau đầu dữ dội;
  • Sốt cao đột ngột;
  • Cứng cổ;
  • Lơ mơ, mê man;
  • Buồn nôn, nôn;
  • Nhạy cảm với ánh sáng;
  • Xuất hiện co giật;
  • Khó tập trung;
  • Phát ban.

Trong đó, cứng cổ là dấu hiệu muộn cho thấy màng não đang bị kích thích nghiêm trọng. Đây là tình trạng co cứng cơ nhằm chống lại việc gập cổ thụ động hoặc chủ động của trẻ. 

Hơn nữa, trẻ bị viêm màng não có thể xuất hiện các biểu hiện sau:

  • Xuất hiện dấu hiệu Kernig;
  • Xuất hiện dấu hiệu Brudzinski;
  • Gặp khó khăn khi chạm cằm vào ngực với miệng khép;
  • Gặp khó khăn khi chạm vùng trán hoặc cằm vào đầu gối.

Lưu ý, các triệu chứng của viêm màng não ở trẻ em có thể không đồng thời xảy ra và không phải tất cả trẻ bị viêm màng não cũng sẽ có các biểu hiện này. 

Tùy vào nguyên nhân gây bệnh, mức độ nguy hiểm của bệnh cũng sẽ khác nhau, trẻ mắc bệnh có thể tử vong trong vài ngày nếu không được điều trị kịp thời. Không những thế, việc điều trị nếu bị trì hoãn, kéo dài sẽ làm tăng nguy cơ khiến trẻ bị tổn thương não vĩnh viễn. Do đó, khi trẻ có dấu hiệu viêm màng não hoặc nghi ngờ viêm màng não, bố mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện để được kiểm tra và can thiệp y tế kịp thời. 

4. Chẩn đoán bệnh viêm màng não ở trẻ em

Để chẩn đoán viêm màng não ở trẻ em, bác sĩ có thể sẽ hỏi mẹ về các triệu chứng đã xuất hiện và tiền sử bệnh của trẻ. Bên cạnh đó, bác sĩ sẽ yêu cầu trẻ thực hiện một số xét nghiệm để hỗ trợ cho việc chẩn đoán bệnh, bao gồm:

  • Xét nghiệm máu: Phương pháp này được thực hiện nhằm tìm kiếm sự xuất hiện của vi sinh vật, vi khuẩn;
  • Chọc dò tủy sống: Đây là thủ thuật an toàn, thường được thực hiện khi nghi ngờ viêm màng não. Bác sĩ sẽ lấy một ít dịch não tủy trong ống tủy sống để xét nghiệm.
  • Thông qua xét nghiệm dịch não tủy, bác sĩ có thể biết được loại viêm màng não mà trẻ đang mắc phải.
  • Chụp CT, MRI hoặc chụp X-quang được thực hiện khi trẻ có biểu hiện tăng áp lực nội sọ (ICP) hoặc xuất hiện các hiệu ứng khối (thần kinh khu trú, phù gai thị, co giật, mất ý thức, nhiễm HIV hoặc suy giảm hệ miễn dịch).

5. Cách điều trị viêm màng não ở trẻ em

Việc điều trị viêm màng não ở trẻ em sẽ được dựa trên các nguyên nhân gây bệnh cho trẻ:

  • Viêm màng não do virus: Nếu virus là tác nhân gây viêm màng não ở trẻ, thuốc kháng sinh sẽ không có tác dụng trong điều trị bệnh này. Việc điều trị sẽ hướng về điều trị các triệu chứng và kéo dài thời gian, hỗ trợ sức đề tráng để cơ thể tự tạo ra kháng thể chống lại sự tấn công của virus. Do đó, lúc này trẻ cần:
  • Dành nhiều thời gian để nghỉ ngơi;
  • Uống nhiều nước, tránh để tình trạng cơ thể mất nước diễn ra;
  • Hỏi bác sĩ về các loại thuốc hạ sốt, giảm đau với liều lượng thích hợp.
  • Bên cạnh các biện pháp trên, bác sĩ có thể kê cho trẻ thuốc có tác dụng giảm nhẹ tình trạng sưng, viêm trong não, chống co giật (nếu trẻ xuất hiện các cơn động kinh). Một số trường hợp viêm màng não do virus herpes, thuốc kháng virus có thể được sử dụng để điều trị bệnh.
  • Viêm màng não do vi khuẩn: Trẻ bị viêm màng não do vi khuẩn gây ra cần được điều trị với thuốc sáng sinh dùng qua đường tĩnh mạch kịp thời để kiểm soát bệnh, giảm nguy cơ bệnh chuyển biến thành các biến chứng nguy hiểm (phù não, động kinh,…). Thời gian đầu, khi chưa xác định được chủng vi khuẩn, bác sĩ có thể cho trẻ dùng thuốc kháng sinh phổ rộng và sau đó, điều chỉnh lại đúng loại thuốc kháng sinh theo loại vi khuẩn gây bệnh.
  • Viêm màng não do nấm hoặc các nguyên nhân khác: Trong khoảng thời gian đầu khi bệnh chưa xác định được nguyên nhân gây bệnh, bác sĩ có thể điều trị cho trẻ bằng cả thuốc kháng sinh và thuốc kháng virus. 
  • Viêm màng não do nấm: Bệnh sẽ được điều trị bằng thuốc kháng nấm. Một số trường hợp, bác sĩ có thể kết hợp loại thuốc này với thuốc kháng sinh để ngăn ngừa, điều trị lao màng não. Các loại thuốc này có thể gây ra nhiều tác dụng phụ nghiêm trọng, do đó, bác sĩ chỉ kê thuốc khi đã xác định rõ nguyên nhân gây bệnh.
  • Viêm màng não do các nguyên nhân khác: Đối với các trường hợp này, trẻ thường sẽ tự khỏi mà không cần hỗ trợ điều trị. 

Tuy nhiên, để bệnh nhanh khỏi, bác sĩ có thể cho trẻ một số loại thuốc có chứa corticosteroid. Nếu bệnh gây ra do các bệnh lý khác, việc điều trị viêm màng não sẽ hướng đến điều trị các bệnh lý này. 

6. Viêm màng não ở trẻ em có thể được phòng ngừa bằng các biện pháp nào?

Để có thể phòng ngừa được bệnh, phụ huynh nên chú trọng thực hiện:

  • Sử dụng các loại dung dịch sát khuẩn hoặc xà phòng để vệ sinh, rửa tay cho trẻ.
  • Chú trọng việc vệ sinh nơi ở cũng như đồ chơi, đồ dùng của trẻ.
  • Người lớn khi tiếp xúc hoặc chế biến đồ ăn thức uống cho trẻ cần vệ sinh tay chân sạch sẽ.
  • Luôn sử dụng màn khi trẻ ngủ.
  • Tiêm vắc xin là yêu cầu bắt buộc trong phòng bệnh: cha mẹ có thể lựa chọn các loại như 5 trong 1, 6 trong 1 hoặc vắc xin phòng chống tác nhân gây bệnh riêng rẽ (Prevenar 13, Synflorix, Menactra, VA-Mengoc-BC, Quimi-Hib,...).

Đặc biệt, cha mẹ cần theo dõi sát sao các dấu hiệu bất thường ở con để kịp thời đưa tới cơ sở y tế nhằm chẩn đoán, khắc phục. TTH Hospital là địa chỉ uy tín để các bậc phụ huynh lựa chọn khi cần được tư vấn, tiêm vắc xin phòng ngừa, xét nghiệm chẩn đoán hoặc điều trị bệnh cho trẻ nhỏ. Để biết thêm thông tin chi tiết về viêm màng não ở trẻ em hoặc cần đặt lịch thăm khám, cha mẹ có thể gọi tới số HOTLINE sẽ được tư vấn và giải đáp nhanh chóng.

 

Bệnh Lý Thường Gặp