BỆNH ĐỘNG KINH LÀ GÌ? DẤU HIỆU NHẬN BIẾT VÀ CÁCH ĐIỀU TRỊ

Động kinh là một bệnh lý thần kinh nguy hiểm khiến bệnh nhân có các rối loạn về hành vi và ý thức. Bệnh nếu không được điều trị sẽ dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm thậm chí tử vong. Vậy bệnh động kinh là gì? Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết này nhé!

1. Động kinh là gì?

Bệnh động kinh là tình trạng bệnh lý ở não, đặc trưng hoạt động phóng điện quá mức và đồng thời của các tế bào thần kinh ở não (có thể khu trú hoặc lan tỏa), biểu hiện lâm sàng bởi những cơn co giật đột ngột, nhất thời và có tính chất lặp lại.

Lưu ý, trường hợp bệnh nhân xảy ra cơn động kinh do một bệnh lý cấp tính (viêm não, nhiễm độc cấp) thì không được gọi là bệnh động kinh. Nói cách khác, bệnh động kinh được định nghĩa bởi sự lặp lại các cơn động kinh tự phát trên cùng một đối tượng.


Bệnh động kinh là tình trạng bệnh lý ở não

Phân loại cơn động kinh bao gồm:

  • Cơn động kinh cục bộ: có thể là đơn giản hoặc phức tạp đi kèm có hoặc không có sự rối loạn ý thức. Vị trí co giật có thể là ở một chi hay ở mặt, co cứng xuất hiện ở một phần của cơ thể.
  • Cơn động kinh toàn thể: bệnh nhân có thể xuất hiện cơn co giật từ một chi, một bộ phận cơ thể lan nhanh ra toàn thân trong cơn thì bệnh nhân đột ngột mất ý thức. Sau cơn động kinh thì bệnh nhân hoàn toàn không nhớ gì.

2. Động kinh có di truyền không?

Bất cứ ai cũng có thể bị động kinh. Động kinh ảnh hưởng đến cả nam và nữ thuộc mọi chủng tộc, dân tộc và lứa tuổi. Động kinh có tính chất di truyền. Động kinh ở trẻ em hay gặp hơn động kinh ở người lớn

Điều trị động kinh chủ yếu bằng thuốc đôi khi phẫu thuật có thể kiểm soát cơn động kinh ở hầu hết những người bị động kinh. Một số người cần điều trị suốt đời để kiểm soát cơn động kinh, nhưng đối với những người khác, cơn động kinh cuối cùng biến mất. Bệnh động kinh của trẻ em có thể vượt qua bệnh tật theo tuổi tác.

Các biến chứng có thể gây tử vong khác của bệnh động kinh là rất hiếm, nhưng chúng xảy ra do cơn vắng ý thức làm cơ thể mất kiểm soát dẫn đến các biến chứng khó lường. Gây tổn thương não vĩnh viễn hoặc tử vong, đột tử do rối loạn tim hoặc hô hấp. 


Động kinh ảnh hưởng đến cả nam và nữ thuộc mọi chủng tộc, dân tộc và lứa tuổi

3. Nguyên nhân gây động kinh

Hầu hết các bệnh động kinh đều không rõ nguyên nhân. Sau đây là các yếu tố nguy cơ dẫn đến động kinh:

  • Các chấn thương ảnh hưởng đến não như chấn thương sọ não hoặc vùng đầu do tai nạn giao thông.
  • Sau những cơn đột quỵ, hoặc sốt cao, co giật lặp lại nhiều lần.
  • Não bị nhiễm trùng như viêm màng não, viêm não Nhật Bản khiến tế bào não bị tổn thương nghiêm trọng.
  • Yếu tố di truyền cũng đóng vai trò quan trọng trong các trường hợp động kinh toàn thể nguyên phát.
  • Nếu trong gia đình có cha hoặc mẹ bị bệnh thì thế hệ sau cũng có khả năng mắc bệnh. Nếu cả cha và mẹ đều bị bệnh thì khả năng con mắc bệnh động kinh cao hơn.

4. Dấu hiệu của bệnh động kinh

Biểu hiện của bệnh động kinh sẽ phụ thuộc vào vùng vỏ não bị kích thích. Bệnh có thể xảy ra với nhiều mức độ nặng nhẹ khác nhau, mà ta không thể dự đoán được.

Triệu chứng của bệnh động kinh thường gặp là co giật. Ban đầu người bệnh sẽ chỉ co giật một phần hoặc một bộ phận như tay, chân, mắt sau đó là toàn bộ cơ thể.

Người bệnh bị sùi bọt mép, mắt trợn, môi tím, mất ý thức trong cơn, sau cơn thường thở nhanh, có thể tiểu mất tự chủ, đôi khi có thể yếu liệt nửa người tạm thời (liệt Todd).


Biểu hiện của bệnh động kinh sẽ phụ thuộc vào vùng vỏ não bị kích thích

Ngoài ra, bệnh nhân còn gặp triệu chứng khác như:

  • Tim đập nhanh.
  • Hạ huyết áp.
  • Co giãn đồng tử.
  • Cơn co giật lặp lại nhiều lần và mỗi lần khoảng từ 2 – 3 phút.

Khi bệnh trở nặng bệnh nhân sẽ không tự chủ được, mất dần ý thức của bản thân. Về lâu dài, bệnh động kinh không kiểm soát tốt sẽ làm thay đổi tính cách của người bệnh hoặc gây chấn thương nặng do té ngã.

5. Cách chẩn đoán bệnh động kinh

5.1. Khám lâm sàng

Bác sĩ sẽ thăm khám lâm sàng thần kinh kết hợp hỏi tiền sử, bệnh sử về triệu chứng cơn động kinh. Trong trường hợp bệnh nhân bị mất ý thức trong cơn, triệu chứng được ghi nhận thông qua lời kể lại của thân nhân hoặc người chứng kiến hoặc quan sát trực tiếp.

5.2. Thực hiện các xét nghiệm

Bệnh nhân sẽ được bác sĩ chỉ định làm các xét nghiệm chẩn đoán như

  • Điện não đồ: giúp nhận biết hoạt động điện sinh lý bất thường trong não.
  • Chụp cắt lớp vi tính sọ não: cho biết thông tin chi tiết bất thường trong não như tụ máu, u não.
  • Chụp cộng hưởng từ sọ não: khảo sát hình thái nhu mô não bệnh nhân.
  • Xét nghiệm máu: đánh giá tình trạng huyết học của bệnh nhân.

Mục tiêu của việc chẩn đoán nhằm xác định bản chất cơn động kinh, phân loại cơn động kinh và các hội chứng động kinh nhằm giúp ích cho việc điều trị.

6. Nên và không nên làm gì khi gặp người lên cơn động kinh

6.1. Nên làm

Khi bắt gặp một bệnh nhân lên cơn động kinh, bạn cần:

  • Tránh để bệnh nhân té ngã, hỗ trợ hô hấp nếu có thể. Không tác động lời nói hoặc vật lý, ánh sáng, hóa chất gì lên bệnh nhân đang co giật.
  • Xác định thời gian của cơn động kinh bằng cách xem đồng hồ.
  • Đặt bệnh nhân trong khu vực an toàn, tuyệt đối tránh các vật dụng sắc nhọn hoặc các đồ vật nguy hiểm.
  • Đặt bệnh nhân ở tư thế nằm nghiêng sang một bên, điều này giúp bệnh nhân thông thoáng đường thở.

6.2. Không nên

Khi bệnh nhân lên cơn động kinh, bạn tuyệt đối không được thực hiện các việc làm sau

  • Nhét bất cứ vật gì vào miệng bệnh nhân, điều này có thể gây chèn ép đường thở bệnh nhân.
  • Giữ hay cố định bệnh nhân do động kinh có thể gây trật khớp, gãy xương.
  • Cho bệnh nhân uống thuốc, thức ăn hay uống nước do việc này có thể gây nguy cơ hít sặc cho bệnh nhân.


Nên và không nên làm gì khi gặp người lên cơn động kinh

7. Các phương pháp chữa bệnh động kinh

7.1. Sử dụng thuốc

Khi sử dụng thuốc để điều trị động kinh, nếu điều trị đủ liều mà không thể khống chế cơn động kinh thì cần phải đánh giá lại và có hướng xử trí phù hợp.

Tuyệt đối không được ngưng thuốc đột ngột trừ khi có chỉ định từ bác sĩ hoặc xảy ra các phản ứng dị ứng, ngộ độc thuốc.

7.2. Phẫu thuật

Phẫu thuật để điều trị động kinh được lựa chọn khi các phương pháp sử dụng thuốc không hiệu quả và không thể kiểm soát được cơn động kinh.

Một số loại phẫu thuật để điều trị động kinh bao gồm:

  • Phẫu thuật cắt bỏ một phần nhỏ của não: nơi bắt đầu xảy ra cơn co giật, thường là vị trí có khối u, chấn thương.
  • Liệu pháp nhiệt kẽ bằng laser (LITT): đây là phẫu thuật ít xâm lấn, sử dụng tia laser để phá hủy một phần nhu mô não.
  • Kích thích não sâu bằng cách sử dụng điện cực cấy vĩnh viễn vào bên trong não để giải phóng tín hiệu điện, làm gián đoạn tình trạng co giật.
  • Phẫu thuật loại bỏ thể chai: loại bỏ một phần não kết nối các dây thần kinh bán cầu phải và trái của não.

Hy vọng bài viết đã cung cấp cho bạn đọc những thông tin bổ ích về bệnh lý động kinh. Nếu bạn cảm thấy bài viết hay hãy chia sẻ cho bạn bè và gia đình cùng tham khảo nhé!


 

Bệnh Lý Thường Gặp