Bệnh Alzheimer là gì? Nguyên nhân, biến chứng và cách điều trị bệnh ngày nay

Bệnh Alzheimer là nguyên nhân hàng đầu gây nên tình trạng sa sút trí tuệ, ảnh hưởng đến suy nghĩ và hành vi của con người. Không có cách nào để đảo ngược quá trình tiến triển bệnh, nhưng việc phát hiện và điều trị sớm có thể giúp nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh. 

1. Tổng quan Alzheimer

Theo nghiên  cứu của Tổ chức Quốc tế về bệnh Alzheimer, năm 2006 có 26,6 triệu người, năm 2015 là 29,8 triệu người mắc bệnh Alzheimer trên toàn thế giới. Dự đoán tỉ lệ mắc Alzheimer trên thế giới sẽ là 1 trên 85 người dân vào năm 2050.

Tổng điều tra dân số của Việt Nam năm 2019 là 96.208.984 người, Việt Nam là quốc gia đông dân thứ ba trong khu vực Đông Nam Á và thứ 15 trên thế giới. Trong đó người cao tuổi chiếm gần 10 %, tỷ lệ bệnh nhân Alzheimer trong cộng đồng cũng tăng dần qua các năm.

Alzheimer là một căn bệnh gây ra tình trạng mất trí nhớ, mất các chức năng nhận thức, làm ảnh hưởng nhiều đến chất lượng sống và làm việc của người bệnh. Tuy nhiên đây không phải là sự lão hóa bình thường, vì vậy đừng nhầm lẫn Alzheimer với hiện tượng suy giảm trí nhớ thông thường ở người già.

Có một ngày bạn bỗng thấy ông, bà, cha, mẹ,… càng có tuổi sẽ càng trở nên khó tính, dễ nổi cáu, hay hờn dỗi… Điều đó có thể xuất phát từ tính cách trước nay vẫn vậy, nhưng cũng rất có thể họ đang bị hội chứng Alzheimer âm thầm tấn công…

2. Nguyên nhân gây ra bệnh Alzheimer

Bệnh được biểu hiện bởi sự có mặt của các mảng bám amyloid beta ngoại bào và các đám rối tơ thần kinh  nội bào , làm suy giảm chức năng của các tế bào thần kinh và gây chết tế bào theo chương trình. Theo nghiên cứu dọc của bệnh nhân khỏe mạnh tiến triển thành Alzheimer cho thấy sự thoái hóa thần kinh này được ước tính bắt đầu từ 20 - 30 năm trước khi bất kỳ có biểu hiện lâm sàng nào của bệnh trở nên rõ ràng. Tuy nhiên mật độ và vị trí của mảng bám amyloid không tương quan với các triệu chứng hoặc mức độ nghiêm trọng của Alzheimer. Các nghiên cứu về giải phẫu học cho thấy các thay đổi bệnh lý lan rộng toàn bộ vỏ não và các cấu trúc xung quanh, đặc biệt là vùng đồi thị.

3. Ai là đối tượng dễ mắc bệnh?

Nguy cơ phát triển bệnh Alzheimer tăng lên theo tuổi tác, bắt đầu từ khoảng 65 tuổi. Nhiều nghiên cứu đã xem xét liệu các hoàn cảnh sống, bệnh tật hoặc hành vi cụ thể có thể làm tăng hoặc giảm nguy cơ mắc bệnh hay không. Mặc dù vẫn chưa đưa ra bất kỳ câu trả lời rõ ràng nào, nhưng nhiều nghiên cứu cho thấy rằng các yếu tố sau có khả năng thúc đẩy bệnh phát triển:

  • Bệnh tiểu đường;
  • Stress, căng thẳng và phiền muộn kéo dài;
  • Cholesterol cao;
  • Hút thuốc;
  • Ít giao tiếp xã hội.

4. Triệu chứng của bệnh Alzheimer

Do bệnh bệnh Alzheimer diễn biến từ từ nặng dần qua nhiều năm nên việc chẩn đoán sớm thường bị bỏ qua, hơn nữa bệnh thường xuất hiện đối tượng người cao tuổi do vậy chẩn đoán ban đầu thường gặp khó khăn.

- Giai đoạn tiền lâm sàng:

  • Bắt đầu 10-20 năm trước khi các dấu hiệu lâm sàng xuất hiện, do vậy bệnh nhân thường không được chẩn đoán ở giai đoạn này.
  • Dấu hiệu đầu tiên là giảm trí nhớ, là đặc trưng chính của suy giảm nhận thức nhẹ. Kết quả hoàn toàn bình thường khi khám lâm sàng cũng như trắc nghiệm trí nhớ.
  • Không có bất thường gì trong tư duy cũng như hoạt động hàng ngày.

- Giai đoạn nhẹ: 

  • Giảm trí nhớ là triệu chứng đầu tiên;
  • Vong ngôn: Nói quanh co, khó tìm từ;
  • Vong tri: Nhầm lẫn vị trí quen thuộc (dễ lạc đường);
  • Vong hành: Không chú ý đến trang phục, mất nhiều thời gian hơn để hoàn thành các công việc hàng ngày;
  • Khó khăn trong quản lý tiền nong, hóa đơn;
  • Thay đổi khí sắc và nhân cách, lo âu;

- Giai đoạn vừa: Phần lớn bệnh nhân được phát hiện giai đoạn này

  • Suy giảm trí nhớ nặng hơn: Quên cả hiện tại và quá khứ;
  • Vong ngôn: Ngôn ngữ mất tính lưu loát, nói sai ngữ pháp;
  • Vong tri: Lạc cả trong môi trường quen thuộc;
  • Vong  hành: Làm sai các công việc hàng ngày như mua sắm. nấu ăn, mặc quần áo,…
  • Các triệu chứng loạn thần và hành vi của bệnh nhân sa sút trí tuệ.

- Giai đoạn nặng: sống phụ thuộc hoàn toàn vào người khác

  • Trí nhớ: Mất trí nhớ nặng;
  • Ngôn ngữ: Mất ngôn ngữ, không giao tiếp được;
  • Vong tri: Không nhận ra người thân và môi trường;
  • Vong hành: Phụ thuộc hoàn toàn vào người chăm sóc;
  • Các triệu chứng là biến chứng của sa sút trí tuệ;
  • Triệu chứng loạn thần: kích động, trầm cảm, vô cảm, rối loạn hành vi ban đêm.

5. Các biến chứng của bệnh  Alzheimer

Mất trí nhớ và ngôn ngữ, suy giảm khả năng phán đoán và những thay đổi nhận thức khác do hội chứng này gây ra có thể gây khó khăn trong việc điều trị các bệnh lý khác. Một bệnh nhân Alzheimer có thể:

  • Không thông báo với người khác rằng họ đang bị đau, ví dụ như đau răng, đau tay…
  • Không thể tuân thủ liệu trình điều trị
  • Không thông báo hoặc mô tả tác dụng phụ của thuốc

Khi bệnh tiến triển đến giai đoạn cuối, những thay đổi của não bắt đầu ảnh hưởng đến các chức năng thể chất, chẳng hạn như nuốt, kiểm soát hành vi… Hầu hết bệnh nhân Alzheimer không tử vong do bệnh chính mà thường do các bệnh kèm theo như:

Viêm phổi: Đây là tình trạng phổi bị phù nề, nhiễm trùng do việc hít phải các chất nhầy từ dịch dạ dày, hay từ thức ăn… vào phổi hoặc đường hô hấp.

Nhiễm trùng: Bệnh nhân thường đi tiểu không tự chủ nên phải đặt thông tiểu, làm tăng nguy cơ nhiễm trùng đường niệu, nếu không được điều trị sẽ càng nặng hơn, có thể đe dọa tính mạng.

Bị ngã và gặp chấn thương: Bệnh nhân thường sẽ khó để định hướng khoảng cách vì vậy nguy cơ bị ngã khi di chuyển và vận động tăng lên. Điều này dẫn đến các trường hợp có thể gãy xương, gặp chấn thương vùng đầu, cổ nặng có thể dẫn đến tình trạng xuất huyết, tụ máu… trường hợp nặng cần lưu viện để phẫu thuật và chăm sóc nội trú.

6. Cách phòng tránh bệnh Alzheimer

Tiến trình lão hóa não bộ theo thời gian và tuổi tác là nguyên nhân gây ra bệnh Alzheimer. Tuy nhiên, bệnh có thể xuất hiện sớm hay muộn, mức độ trầm trọng hay giảm nhẹ là do cách chúng ta sống và sinh hoạt. Do đó, có nhiều cách để ngăn chặn bệnh phát triển sớm và kiểm soát các biến chứng nguy hiểm, chẳng hạn như:

- Phòng ngừa các bệnh tim mạch:

Nghiên cứu cho thấy 80% người bị Alzheimer có bệnh tim mạch. Ở một số cá nhân, có những mảng vón và đám rối đặc trưng trên não nhưng không có biểu hiện của bệnh Alzheimer.

Theo chuyên gia, các mảng vón và đám rối này chỉ hoạt động khi hệ mạch máu não cũng có vấn đề. Yếu tố chính làm tăng nguy cơ mắc bệnh là bệnh tim mạch. Do đó, những người bị tăng huyết áp, đái tháo đường (còn được gọi là tiểu đường) và rối loạn lipid máu (còn được gọi là mỡ máu cao) phải được điều trị ngay lập tức để tránh bệnh tim mạch trong thời gian dài.

- Thường xuyên tập thể dục:

Tập thể dục có thể giúp trì hoãn các triệu chứng của bệnh Alzheimer. Để vận động có hiệu quả, hãy thực hiện vận động theo hướng dẫn của chuyên gia. Điều này sẽ cung cấp máu và oxy đầy đủ cho não.

- Tránh gặp các chấn thương vùng đầu:

Chấn thương đầu nặng, đặc biệt là những chấn thương dẫn đến bất tỉnh, có mối liên hệ rõ ràng với khả năng mắc Alzheimer về sau. Vì vậy, bạn nên bảo vệ đầu của mình để tránh bị thương không đáng có.

- Ăn uống khoa học:

Tăng cường sức khỏe não bộ có thể đạt được thông qua một chế độ ăn uống cân bằng bao gồm ngũ cốc nguyên hạt, dầu oliu, đậu phộng, cá, gà, trứng, các chế phẩm từ sữa và nhiều rau và trái cây tươi. Hạn chế với thịt đỏ và đường.

- Ngủ đủ giờ, đủ giấc và ngủ có chất lượng:

Giấc ngủ tốt có thể giúp ngăn Alzheimer phát triển sớm và trầm trọng. Bởi vì não bộ "vệ sinh" các synapse trong lúc ngủ để đảm bảo việc truyền tin được thông thoáng, loại bỏ những ký ức không cần thiết và loại bỏ amyloid để tránh hình thành mảng vón. Tốt nhất là ngủ 8 tiếng mỗi đêm mà không dùng thuốc.

7. Bệnh Alzheimer sống được bao lâu?

Chăm sóc bệnh nhân mắc bệnh Alzheimer giai đoạn nặng thường gặp nhiều thách thức. Bệnh Alzheimer là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ 6 ở Hoa Kỳ trên mọi lứa tuổi và đứng thứ 5 ở những người 65 tuổi trở lên.

Nhiều người thắc mắc liệu bệnh Alzheimer sống được bao lâu. Theo thống kê, tuổi thọ của mỗi bệnh nhân là khác nhau. Sau khi chẩn đoán, tuổi thọ trung bình là 8 đến 10 năm. Tuy nhiên, đôi khi nó có thể ngắn hoặc kéo dài hơn. Sức khỏe của mỗi người khác nhau.

8. Bệnh có xuất hiện ở giới trẻ không?

Bệnh Alzheimer khởi phát sớm rất hiếm, chiếm dưới mười phần trăm mọi người mắc bệnh. Nó thường xảy ra ở độ tuổi ba mươi đến sáu mươi. Sự thay đổi di truyền gây ra một số trường hợp.

Các bệnh lý liên quan đến hệ thần kinh đang gia tăng ở Việt Nam, những điều đáng lo ngại là hầu hết người bệnh không biết nhiều về bệnh và thường chủ quan khi có các dấu hiệu, khiến bệnh trở nên tồi tệ hơn.

Hệ thống các bệnh viện đa khoa tại TTH quy tụ đội ngũ chuyên gia hàng đầu là các giáo sư đầu ngành, bác sĩ giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực thần kinh. Bên cạnh đó, với hệ thống trang thiết bị hiện đại và áp dụng các kỹ thuật tiên tiến trong chẩn đoán và điều trị thành công cho các bệnh nhân mắc các bệnh lý thần kinh như: đau nửa đầu, đau đầu mạn tính, tai biến mạch máu não, rối loạn giấc ngủ, sa sút trí tuệ, Alzheimer, động kinh, Parkinson,… Hãy liên hệ ngay với chúng tôi nếu bạn thấy người thân, bạn bè, hay chính bản thân mình đang có những triệu chứng kể trên để được thăm khám và điều trị kịp thời.

 

Bệnh Lý Thường Gặp