Nguyên nhân gây ra táo bón là do đâu? Cách điều trị dứt điểm bệnh táo bón

1. Táo bón là gì?

Táo bón là một dạng rối loạn đường tiêu hóa, dẫn đến tình trạng đi phân không đều, phân khó đi kèm với cảm giác đau và cứng. Táo bón cấp tính có thể gây tắc ruột, thậm chí có thể phải phẫu thuật. 

Từ trước đến nay, có rất nhiều định nghĩa về táo bón khác nhau, nhưng thông thường ở người lớn, là việc không đi đại tiện quá 3 ngày; ở trẻ em, một tuần không thể đi đại tiện 3 lần thì được coi là táo bón. 

Trong việc chẩn đoán lâm sàng, bác sĩ thường chia táo bón thành 2 nhóm, đó là táo bón nguyên phát và táo bón thứ phát.

2. Nguyên nhân gây ra táo bón

Tình trạng táo bón có thể bắt gặp ở bất kỳ độ tuổi nào, bao gồm các triệu chứng đặc trưng như: khó đi đại tiện, đi ngoài lâu, nhiều ngày mới đi một lần, phân vón cục, khô cứng, nhỏ hoặc lớn hơn bình thường, người bệnh cần phải dùng nhiều sức để rặn và có thể gây đau hậu môn.

Táo bón có thể bị nhẹ, trung bình hay nặng tùy từng người. Có những trường hợp chỉ bị táo bón ít ngày nhưng đối với người khác lại bị táo bón mạn tính, thường xuyên bị khó chịu, đau đớn khi đi ngoài.

Nguyên nhân dẫn đến táo bón bao gồm 2 trường hợp như sau:

- Do lối sống

Thực đơn ăn uống nghèo nàn chất xơ: chất xơ có tác dụng hỗ trợ phân có thể dễ dàng di chuyển trong ruột và tống ra ngoài cơ thể. Nếu ăn ít chất xơ có thể khiến bạn bị táo bón;

  • Ít vận động khiến hệ tiêu hóa đình trệ;
  • Uống không đủ nước khiến phân bị khô, khó được đào thải ra ngoài;
  • Có thói quen nhịn đi vệ sinh;
  • Tuổi tác: tuổi càng cao cơ quan tiêu hóa càng bị lão hóa, giảm co thắt cơ ruột gây nên tình trạng táo bón. 

- Do nguyên nhân khác 

Bên cạnh thói quen và lối sống gây nên táo bón, tình trạng này cũng có thể là do xuất phát từ nguyên nhân sinh lý và bệnh lý, cụ thể như sau:

  • Phụ nữ mang thai: trong giai đoạn đầu mang thai, một số hormone thai kỳ (trong đó có progesterone) sẽ được cơ thể mẹ bầu tiết ra nhiều hơn. Điều này sẽ tác động đến hệ tiêu hóa, nhu động ruột và quá trình bài tiết phân. Vì vậy mà nhiều thai phụ gặp phải tình trạng táo bón trong 3 tháng đầu thai kỳ;
  • Bị tắc nghẽn hậu môn hoặc trực tràng (sa trực tràng, trĩ) dẫn đến táo bón;
  • Rò hậu môn: vết rách niêm mạc hậu môn có thể gây đau đớn cho người bệnh và nhiều bệnh nhân e sợ việc phải rặn khi đi cầu nên gây ra hiện tượng táo bón;
  • Hội chứng ruột kích thích: điển hình là biểu hiện chướng bụng, đau bụng, tiêu chảy hoặc táo bón xảy ra xen kẽ;
  • Thoát vị ổ bụng là nguyên nhân làm giảm áp lực ổ bụng gây khó khăn cho việc di chuyển của phân;
  • Rối loạn nội tiết do bị tiểu đường, suy giáp, suy tuyến yên;
  • Phẫu thuật phụ khoa hoặc ổ bụng: những cơn đau hậu phẫu và thuốc giảm đau thường chứa một chất là codein gây táo bón;
  • Bệnh lý hệ thần kinh trung ương: bệnh Parkinson, bệnh đa xơ cứng, đột quỵ,... cũng có liên quan đến triệu chứng táo bón;
  • Khối u trực tràng nằm trên đường cản trở sự đào thải phân khiến bệnh nhân khó đi ngoài và đau khi rặn;
  • Tác dụng phụ của một số loại thuốc: thuốc chống trầm cảm, codeine, thuốc hạ huyết áp, thuốc bổ sung sắt, thuốc kháng axit không chứa magie có thể gây phản ứng là làm chậm nhu động ruột dẫn tới táo bón.

3. Đối tượng dễ bị táo bón

Táo bón có thể gặp ở mọi đối tượng, không phân biệt giới tính, hay độ tuổi từ trẻ nhỏ, người lớn đến người già. Dưới đây là những đối tượng dễ bị táo bón:

  • Dân văn phòng: Ngồi lâu ít hoạt động, cộng với ăn uống không điều độ, ăn nhiều đồ cay, nóng, uống nhiều rượu bia... đều là nguyên nhân có thể gây bệnh táo bón.
  • Người già: Người cao tuổi có chức năng đường ruột suy giảm, ít vận động rất dẫn đến tình trạng táo bón.
  • Phụ nữ mang thai và sau sinh: Hormone nội tiết thay đổi, chế độ ăn uống, sinh hoạt quá nhiều dinh dưỡng rất dễ gây ra táo bón.
  • Trẻ em.

 

4. Dấu hiệu nhận biết táo bón

Các triệu chứng táo bón ở mỗi đối tượng, độ tuổi có thể khác nhau nhưng thường có các đặc điểm chung là đại tiện khó, phải rặn nhiều, phân cứng, tỏn mỏn, chướng bụng, sờ thấy bụng cứng. Cụ thể hơn:

  • Dấu hiệu táo bón ở người lớn: Quá 3 ngày không thể đại tiện, chướng bụng, rặn nhưng không đại tiện được, hoặc rất khó để tống phân ra ngoài, phân cứng, phân có thể lẫn máu do xuất huyết hậu môn.
  • Dấu hiệu táo bón ở trẻ em: Không thể đi đại tiện 3 lần/tuần, chướng bụng, đại tiện khó, mỗi khi đại tiện trẻ phải rặn đỏ mặt, phân cứng, có thể chảy máu nhẹ ở hậu môn do việc rặn quá mức. Hoặc ở trẻ sơ sinh và trẻ dưới 1 tuổi 5-7 ngày không đi đại tiện; phân cứng, có thể kèm máu và chất nhầy; trẻ quấy khóc, lười ăn/bú, ngủ không ngon giấc do chướng bụng, đau bụng.

5. Chẩn đoán táo bón

Nếu việc chẩn đoán lâm sàng không giúp phát hiện táo bón, bác sĩ có thể chỉ định người bệnh làm các xét nghiệm bao gồm:

  • Xét nghiệm máu và phân: Xét nghiệm máu để tìm kiếm các dấu hiệu của bệnh suy giáp, thiếu máu và tiểu đường. Xét nghiệm phân để kiểm tra các dấu hiệu nhiễm trùng, viêm và ung thư.
  • Chẩn đoán hình ảnh (CT), (MRI): Việc kiểm tra hàng loạt hình ảnh của đường tiêu hóa dưới có thể giúp bác sĩ xác định các vấn đề khác gây ra táo bón.
  • Nội soi đại tràng: Nội soi đại tràng giúp phát hiện các vấn đề ở ruột kết, chẳng hạn như khối u.
  • Đo áp lực hậu môn trực tràng: Người bệnh được uống một lượng nhỏ chất phóng xạ, ở dạng thuốc viên để theo dõi thời gian và cách chất này di chuyển qua ruột.
  • Các xét nghiệm chức năng ruột khác: Bác sĩ có thể yêu cầu người bệnh làm thêm các xét nghiệm kiểm tra hậu môn và trực tràng khác để đánh giá việc giữ và thải phân tốt như thế nào. Những xét nghiệm này bao gồm chụp X-quang (chụp đại tiện).

6. Cách trị táo bón

Bác sĩ cần căn cứ vào nguyên nhân gây ra táo bón để lựa chọn phương pháp điều trị cụ thể. Nhưng về cơ bản, việc điều trị táo bón sẽ thường bao gồm:

  • Chế độ ăn uống: Người bệnh nên uống đủ 2 lít nước mỗi ngày, bao gồm cả việc uống các loại nước ép trái cây; tăng cường chất xơ trong chế độ ăn uống như ăn nhiều rau xanh và trái cây, ngũ cốc nguyên cám, ăn thức ăn lỏng như cháo, súp; không ăn các loại quả xanh chát; không uống nước ngọt đóng chai, không ăn/uống thực phẩm nhiều đường, không uống rượu, bia…
  • Vận động: Người bệnh nên tập 30 phút thể dục mỗi ngày. Khi di chuyển cơ thể, các cơ trong ruột cũng được hoạt động nhiều hơn giúp thúc đẩy tiêu hóa.
  • Không nhịn đi đại tiện: Việc trì hoãn đại tiện sẽ gây áp lực lên hậu môn trực tràng, càng làm cho tình trạng táo bón nghiêm trọng hơn. Ngoài ra, người bệnh cũng nên tập thói quen đi đại tiện vào một khung giờ mỗi ngày để hình thành giờ sinh học cho cơ thể. Điều này giúp cho việc đại tiện luôn đều đặn trong một khung giờ mỗi ngày.
  • Thuốc: Một số loại thuốc nhuận tràng có thể giúp chữa trị táo bón. Tuy nhiên, người bệnh nên dùng thuốc theo kê đơn của bác sĩ, nhất là trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai và phụ nữ cho con bú. Lưu ý, không được dùng bất kỳ loại thuốc điều trị táo bón ở trẻ sơ sinh.
  • Thụt hậu môn: Thụt hậu môn có thể được áp dụng khi việc đại tiện không thể thực hiện. Thuốc thụt hậu môn và phương pháp thụt, người bệnh nên nắm kỹ trước khi áp dụng, nhất là áp dụng cho trẻ em và phụ nữ mang thai nhằm tránh tổn thương vùng hậu môn trực tràng và ảnh hưởng đến thai nhi.
  • Phẫu thuật: Một số tình trạng táo bón có thể cần phải điều trị bằng phẫu thuật như ung thư đại trực tràng hoặc bệnh trĩ mãn tính.

7. Cách phòng ngừa bệnh táo bón

Ngoài nguyên nhân mắc các bệnh lý về tiêu hóa, thì táo bón chủ yếu xuất phát từ chế độ ăn uống mất cân bằng dinh dưỡng, ít vận động hoặc căng thẳng, stress quá mức. Theo đó, ngoài việc uống đủ 2 lít nước mỗi ngày, thì người bệnh nên:

  • Duy trì một chế độ ăn giàu chất xơ bao gồm tăng cường rau xanh, trái cây và ngũ cốc nguyên cám.
  • Hạn chế các ăn các thực phẩm không lành mạnh như thực phẩm giàu chất béo có nguồn gốc động vật, đồ ăn công nghiệp, nước ngọt đóng chai, bia, rượu, hút thuốc lá, các loại quả xanh, chát.
  • Nên vận động ít nhất 3 giờ/tuần.
  • Tránh căng thẳng, trầm cảm, stress.
  • Không ngồi bồn cầu quá lâu, không rặn khi đại tiện
  • Nên tập thói quen đi đại tiện vào một khung giờ hàng ngày
  • Ngoài ra, đối với trẻ uống sữa bột, việc ngừng hoặc đổi loại sữa trẻ đang uống hiện tại có thể giúp cải thiện tình trạng táo bón.
  • Cùng với đó, người dân nên chủ động đến bệnh viện khám sức khỏe giúp tầm soát và điều trị sớm các bệnh lý là nguyên nhân gây ra táo bón như trĩ, nứt hậu môn, tắc nghẽn ống tiêu hóa do khối u, trĩ huyết khối, to trực tràng vô căn; các bệnh về thần kinh hoặc tuyến giáp…

Táo bón là bệnh phổ biến trong số các bệnh lý về đường tiêu hóa nói riêng, cũng như các bệnh lý khác nói chung. Đại đa số người bệnh bị táo bón có nguyên nhân từ chế độ ăn uống, vận động. Do đó, có một chế độ ăn uống, sinh hoạt khoa học bao gồm tăng cường chất xơ, tập thể dục thể thao hàng ngày, tránh ăn uống các thực phẩm không lành mạnh, tránh căng thẳng stress là biện pháp tốt nhất để phòng ngừa bệnh táo bón. Ngoài ra, để phòng ngừa táo bón có nguyên nhân từ các bệnh lý thì ngoài áp dụng các phương pháp kể trên, người dân nên đi khám sức khỏe định kỳ để tầm soát, phát hiện và điều trị sớm các bệnh lý gặp phải.

TTH Hospital là địa chỉ đáng tin cậy để các bạn đến khám sức khỏe định kỳ, tư vấn về các vấn đề liên quan đến xương khớp và các bệnh khác. Với đội ngũ chuyên gia bác sĩ hàng đầu sẽ giúp bạn có những giải pháp tối ưu trong nhận biết bệnh táo bón và điều trị dứt điểm tình trạng này. 

 

Bệnh Lý Thường Gặp