Ngộ độc thực phẩm:  Dấu hiệu nhận biết và Cách xử lý 

Ngộ độc thực không phải là tình trạng hiếm gặp. Tuy nhiên các triệu chứng thường xuất hiện nhanh, rõ rệt, mức độ khá nghiêm trọng, trường hợp nặng không can thiệp hay xử lý kịp thời có thể đe dọa tính mạng. 

Ngộ độc thực phẩm là gì?

Ngộ độc thực phẩm còn được gọi là ngộ độc thức ăn hoặc trúng thực, là tình trạng người bệnh bị ngộ độc hay trúng độc do ăn, uống phải các thức ăn, nước uống bị nhiễm khuẩn, ôi thiu, nhiễm độc hoặc chứa các chất gây ngộ độc.... 

Tùy vào khả năng gây độc từ loại thức ăn, nước uống đó mà mức độ mà những ảnh hưởng và biểu hiện bệnh sẽ khác nhau. Trong đó triệu chứng ngộ độc cấp tính có thể xuất hiện sớm trong vài phút, vài giờ hay vài ngày sau khi ăn phải thức ăn nhiễm khuẩn, chứa độc tố, hóa chất gây độc. 

Thông thường ngộ độc thực phẩm chỉ xảy ra ở mức độ nhẹ kéo dài vài tiếng hoặc vài ngày. Tuy nhiên vẫn có nhiều trường hợp ngộ độc nặng với những triệu chứng dữ dội và phải nhập viện để điều trị và theo dõi. 

Dấu hiệu ngộ độc thực phẩm 

Tùy vào mức độ nhiễm khuẩn, độc tố có trong thức ăn, nước uống mà dấu hiện ngộ độc thức ăn cũng sẽ có sự khác biệt. Tuy nhiên dưới đây là những dấu hiệu trúng thực phổ biến: ‘

-    Đau bụng

-    Đi ngoài, tiêu chảy hoặc phân lỏng lẫn máu

-    Mất nước

-    Buồn nôn, ói mửa

-    Người mệt lả, thiếu năng lượng.

-    Ớn lạnh, bủn rủn tay chân

-    Ra mồ hôi lạnh

-    Mặt tái xanh, thiếu sức sống

-    Đau cơ

-    Chán ăn

-    Sốt…

Khi người bệnh gặp phải các triệu chứng nghi ngờ ngộ độc thực phẩm, hãy theo dõi tình trạng sức khỏe của mình, đồng thời bổ sung nước và đến ngay bệnh viện khi triệu chứng trở nặng hơn.

Nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm là gì?

Nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm xuất phát từ nhiều yếu tố, trong đó các nguyên nhân gây ngộ độc thường gặp gồm: 

-    Thực phẩm, nước uống nhiễm khuẩn Salmonella (vi khuẩn gây bệnh thương hàn) gây ra các triệu chứng khó chịu dạ dày – ruột, đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn, choáng váng, sốt.

-    Độc tố tụ cầu Staphylococcus có thịt gia cầm chưa được nấu chín, sữa gây ra các triệu chứng đau bụng, tiêu chảy, chóng mặt, mạch đập nhanh kèm đau đầu.

-    Ăn đồ ăn đóng hộp hết hạn, đồ hộp, thịt cá bị ươn, ôi thiu sẽ sinh ra vi khuẩn Clostridium botulinum gây độc phá hủy hệ thần kinh trung ương và hành tủy, gây tử vong.

-    Các loại hạt như hướng dương, điều, lạc, đậu  nành, ngô; các loại bột từ những hạt này khi bị nấm mốc sẽ sinh ra vi nấm Aflatoxin gây độc.

-    Trong các loại thực phẩm như rau sống, thức ăn chế biến để nguội; các loại nhuyễn thể như ốc, hến, sò sống ở vùng nước bẩn, ô nhiễm có thể chứa các loại virus Norwalk, virus viêm gan A (HAV) gây nên các triệu chứng ngộ độc khi ăn phải.

-    Sán lá gan nhỏ trong các món ăn chế biến từ ốc chưa luộc chín, gỏi cá sống, cá nướng.

-    Một trong những nguyên nhân gây độc cao là ăn phải các thức ăn lẫn các kim loại nặng như asen, chì, thủy ngân, selenium.

-    Thực phẩm không được làm sạch loại bỏ hết các tồn dư của thuốc bảo vệ thực vật có nguy cơ gây ngộ độc cao thậm chí nặng có thể gây tử vong. 

-    Chế biến thức ăn, nước uống có các chất phụ gia, chất bảo quản quá liều lượng cho phép hoặc các chất cấm không được sử dụng sẽ gây trúng thực cao. 

Những triệu chứng của ngộ độc thực phẩm nhẹ

Ngộ độc thực phẩm nhẹ thường thường xuất hiện trong vòng vài phút, vài giờ hay vài ngày sau khi ăn, uống phải thực phẩm nhiễm khuẩn, bẩn, gây độc. Các triệu chứng cũng sẽ thuyên giảm dần theo thời gian, tuy nhiên vẫn gây ra triệu chứng khiến người bệnh mệt mỏi, khó chịu. Cho nên, dù ở mức độ nhẹ người bệnh cũng không được chủ quan mà phải có những biện pháp can thiệp chăm sóc phù hợp nhằm hạn chế tối đa ảnh hưởng của ngộ độc thực phẩm với sức khỏe. Một số biểu hiện của ngộ độc thực phẩm nhẹ xuất hiện ngay sau khi ăn hay uống phải thực phẩm không đảm bảo sẽ là:

-    Đau bụng: Đây là một dấu hiệu rất phổ biến khi bị ngộ độc thức ăn, nó thường xuất hiện khá sớm ngay sau khi ăn thực phẩm không đảm bảo. Do những tác nhân ngộ độc tạo ra phản ứng kích thích gây tăng nhu động ruột gây đau bụng để tăng tốc độ đào thải chất độc hại. Tuy nhiên, người bệnh cũng phải lưu ý, đau bụng có thể là dấu hiệu của nhiều bệnh lý khác nhau nên ban đầu sẽ khó để xác định liệu có phải do ngộ độc thực phẩm hay không.

-    Buồn nôn và nôn mửa: Đây là một trong những cách mà cơ thể đào phản ứng đào thải các chất gây ngộ độc ra bên ngoài. Tuy nhiên, nôn nhiều khiến cơ thể người bệnh mất nước, nên lưu ý bổ sung thêm nước ngay sau khi bị nôn để bù lại lượng nước bị mất. 

-    Tiêu chảy: Tiếp nối tình trạng đau quặn bụng thì tiêu chảy là triệu chứng phổ biến thường xuất hiện khi bị ngộ độc thực phẩm. Nguyên nhân là do tác nhân gây ngộ độc gây ra viêm niêm mạc đường tiêu hóa, khiến cho nó giảm khả năng tái hấp thu nước nên sẽ gây tiêu chảy. Đây cũng được coi là một biện pháp giúp cơ thể đào thải chất độc ra khỏi cơ thể nhanh hơn. Thông thường tình trạng tiêu chảy khi bị ngộ độc nhẹ không kéo dài quá  3 ngày và không gây mất nước nặng, tuy nhiên người bệnh vẫn nên bổ sung nước đều đặn để độc tố loãng ra giảm biểu hiện của ngộ độc thực phẩm.  

-    Đau đầu: Có một số độc tố từ thực phẩm không đảm bảo gây ảnh hưởng tới hệ thần kinh và gây ra đau nhức đầu. Với mức độ nhẹ người bệnh thường chỉ đau đầu, nhưng nếu nặng có thể ảnh hưởng đến thần kinh gây co giật, lú lẫn, mê man không minh mẫn,...

-    Mệt mỏi và chán ăn: Đây là biệu hiện thường thấy trên người bị ngộ độc thức ăn. Ban đầu người bệnh đau bụng, tiêu chảy, nôn mửa khiến cơ thể mất nước, đau đớn. Sau đó không còn các triệu chứng trên thì cơ thể mệt mỏi và xuất hiện cảm giác chán ăn, ăn không ngon miệng. 

Các triệu chứng ngộ độc thực phẩm nhẹ thường xuất hiện ngay sau khi ăn, uống phải các thực phẩm không vệ sinh, gây độc tuy nhiên các triệu chứng này sẽ hết sau thời gian ngắn với các biện pháp chăm sóc phù hợp. Tuy nhiên, cần lưu ý nếu như các biểu hiện này có kèm theo sốt cao, nôn nhiều, hay đi ngoài phân có máu; có dấu hiệu mất nước như mắt trũng, tiểu ít, họng khô, chóng mặt; tiêu chảy kéo dài; người bệnh co giật...cần tới ngay cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, tìm nguyên nhân và có phác đồ điều trị kịp thời tránh ảnh hưởng đến tính mạng.  

Cách sơ cứu khi bị ngộ độc thực phẩm

Gây nôn

Trường hợp người bệnh có biểu hiện ruột kích thích, buồn nôn sau khi ăn, uống phải thực phẩm, nước uống nhiễm độc đang trong tình trạng tỉnh táo, chưa biểu hiện triệu chứng ngộ độ dữ dội hãy nhanh chóng sử dụng biện pháp kích thích gây nôn để đẩy hết thức ăn, nước uống ra khỏi dạ dày ngay lập tức. 

Bước đầu tiên để gây nôn nhanh chóng hiệu quả là dùng ngón tay (đã được rửa sạch) ép vào gốc lưỡi hoặc có thể pha nước ấm cùng muối để kích thích người bệnh nôn sạch thức ăn trong dạ dày, hạn chế độc tố từ thức ăn ngấm vào cơ thể qua đường tiêu hóa người bệnh. 

Trong quá trình gây nôn cần lưu ý:

Khi kích thích gây nôn bằng phương pháp cho tay vào lưỡi cần giữ tư thế cúi người, ép bụng cho thức ăn trào ra ngoài. Sau khi nôn xong, cho người bệnh nằm nghiêng, kê gối cao đầu để chất độc không bị trào ngược vào phổi, hạn chế nguy cơ người bệnh tử vong do sặc hoặc ngạt thở. 

Với những trường hợp phát hiện ngộ độc tại nhà hãy giữ lại mẫu thực phẩm nghi ngờ gây ngộ độc thực phẩm vừa nôn để có thể xác định được chính xác nguyên nhân khi triệu chứng ngộ độc không có dấu hiệu thuyên giảm theo thời gian mà trợ nặng phải cấp cứu bệnh viện.

Bù nước

Người bị ngộ độc thực phẩm sau khi bị tiêu chảy hoặc nôn nhiều dẫn đến cơ thể mất nước. Chính vì vậy người bệnh sau khi nôn ói, đi ngoài nên bổ sung nước và nghỉ ngơi. Người bệnh có thể bù nước bằng sản phẩm dung dịch oresol (pha đúng tỷ lệ). 

Lưu ý, khi dùng sản phẩm bù nước oresol cần phải đọc kỹ hướng dẫn của nhà sản xuất, hết sức lưu ý đến liều lượng theo chỉ định, không tự ý pha quá nhiều hoặc quá ít nước, không đun sôi dung dịch, không uống oresol khi đã pha quá 24 tiếng,… Nếu nhiều người trong gia đình sau khi ăn chung thức ăn gây độc, dùng sản phẩm oresol bù nước thì cần phải pha hoặc dùng các dung dịch riêng biệt, không uống chung vì hàm lượng dung dịch không đạt chuẩn đồng thời có thể khiến tình trạng của những người đang có triệu chứng ngộ độc nhẹ trở nên nghiêm trọng hơn. 

Nhanh chóng đưa người bệnh đi cấp cứu tại cơ sở y tế 

Trường hợp người bệnh xuất hiện các triệu chứng ngộ độc thực phẩm nặng: nôn mửa liên tục, tiêu chảy nhiều lần, co giật, rối loạn ý thức, sốt cao, suy hô hấp không được gây nôn có thể nguy hiểm đến tính mạng dù đã thực hiện các bước sơ cứu trên. Hãy lập tứcđưa người bệnh đến bệnh viện để được chuẩn đoán, tìm rõ nguyên nhân gây độc đồng thời điều trị kịp trời. 

"Xem thêm: Cách điều trị bệnh ghẻ nước nhanh chóng hiệu quả"

Các cách phòng ngừa ngộ độc thực phẩm 

Với việc các nguồn thực phẩm ngày càng phong phú, đa dạng như hiện tại, không thể tránh tình trạng thực phẩm bẩn, chứa nhiều hóa chất độc hại đang diễn tiến hết sức phức tạp. Nhìn chung để bảo vệ sức khỏe bản thân cũng như người thân xung quan, hãy cẩn thận trong khâu chọn lựa và chế biến thực phẩm bằng cách: 

-    Luôn luôn chọn mua những loại thực phẩm tươi sống, không bị ôi thiu, không hết hạn sử dụng, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

-    Bảo quản thức ăn chưa chế biến và đã chế biến trong tủ lạnh ở nhiệt độ phù hợp (không để hai loại thực phẩm tươi sống – đã chế biến cùng ngăn sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển gây độc trên thực phẩm đã chế biến).

-    Không để thức ăn đã chế biến, nấu chín ở nhiệt độ thường quá 2 giờ.

-    Thực hiện quy tắc ăn chín uống sôi mọi lúc mọi nơi.

-    Đảm bảo dụng cụ chế biến thức ăn luôn được làm sạch trước khi dùng.

-    Hạn chế ăn các thực phẩm sống: hàu, cá hồi, cá ngừ, trứng sống, sachimi...

-    Khi đi ăn ngoài, nên ăn ở những nơi đảm bảo được vệ sinh an toàn thực phẩm, tránh những quán ăn bụi bẩn, ẩm thấp, chế biến thức ăn không rõ nguồn gốc, thức ăn không sạch sẽ, ruồi nhặng nhiều…

-    Luôn luôn rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn trước khi ăn.

Nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm thường xuất phát từ nhiều yếu tố, đi kèm với những biểu hiện nguy hiểm nếu không chăm sóc, điều trị kịp thời có thể ảnh hưởng đến tính mạng. Chính vì vậy khi bị ngộ độc thực phẩm người bệnh không được chủ quan, cần phải theo dõi biểu hiện của cơ thể, nếu các triệu chứng ngày càng trở nặng thì cần phải đến ngay cơ sở y tế để xử lý, điều trị kịp thời.

Khi có dấu hiệu ngộ độc thực phẩm, hãy liên hệ với chúng tôi ngay để đặt lịch khám, điều trị. TTH Hospital – Hệ thống Bệnh viện chuyên Khoa, Bệnh viện đa khoa với đội ngũ bác sĩ chuyên môn cao, trang thiết bị tiên tiến giúp người bệnh an tâm trong khám chữa bệnh và điều trị. 

+ Cơ sở 1: Bệnh viện đa khoa TTH Vinh

Hotline: 0948 956 622

Địa chỉ: Số 105 Lý Thường Kiệt, Lê Lợi, Thành Phố Vinh, Nghệ An

+ Cơ sở 2: Bệnh viện đa khoa TTH Hà Tĩnh

Hotline: 0912 555 115 

Địa chỉ: Số 01 Ngô Quyền, Thạch Trung, Thành phố Hà Tĩnh, Hà Tĩnh

+ Cơ sở 3: Bệnh viện đa khoa TTH Quảng Bình

Hotline: 02323 679 115 

Địa chỉ: Số 99 Điện Biên Phủ, Phú Hải, Thành phố Đồng Hới, Quảng Bình
 

Bệnh Lý Thường Gặp