Tràn dịch khớp gối có nguy hiểm không?

Tràn dịch khớp gối là bệnh gì

Tràn dịch khớp gối là tình trạng gia tăng lượng dịch bất thường trong khớp gối sau chấn thương hoặc các nguyên nhân bất thường trong khớp làm hạn chế vận động khớp gối. Mặc dù không phải là một bệnh khó chữa nhưng nếu không được chẩn đoán và điều trị sớm có thể dẫn tới các biến chứng nguy hiểm.

Dấu hiệu tràn dịch khớp

Dấu hiệu cơ bản nhất để phát hiện tràn dịch khớp gối là tình trạng khớp gối nổi mẩn đỏ kèm sưng và phù nề, khi so sánh 2 bên khớp gối có thể nhận ra sự lớn hơn bất thường của bên tràn dịch do bao khớp dày lên. Bệnh nhân thường sẽ có cảm giác nặng nề bên khớp tổn thương và rất hạn chế vận động khi đi lại hoặc khó gấp duỗi. Theo thời gian nếu không được can thiệp thì các cơ xung quanh sẽ yếu dần khiến khớp ngày càng không vững cùng với cơn đau dai dẳng.

Nguyên nhân gây tràn dịch khớp gối

Một số nguyên nhân thường gặp của tràn dịch khớp gối gồm có:

  • Chấn thương: Một số chấn thương do chơi thể thao quá sức hoặc hoạt động sai tư thế, ngã xe do va đập mạnh, vấp ngã cầu thang, tai nạn lao động làm tổn thương sụn khớp, giãn hoặc đứt dây chằng chéo trước, giãn hoặc đứt dây chằng chéo sau, rách sụn chêm, gãy xương…
  • Bệnh lý về khớp: Một số bệnh mạn tính kéo dài như thoái hóa khớp, nhiễm trùng khớp, gout, viêm khớp dạng thấp, viêm bao hoạt dịch khớp, nang bao hoạt dịch khớp, các bệnh rối loạn về tình trạng đông máu… gây hậu quả xấu là tràn dịch khớp gối.
  • Nhiễm khuẩn: Do một số vi khuẩn lao, vi khuẩn Mycoplasma, virut, vi nấm.

Các yếu tố nguy cơ:

  • Tuổi tác: Người trung niên và người già ngoài 50 tuổi thường có nguy cơ cao mắc các bệnh xương khớp, trong đó có tràn dịch khớp gối.
  • Hoạt động thể thao: Vận động viên hoặc người chơi các môn bóng đá, bóng rổ thường xuyên vận động gối với cường độ cao, có nguy cơ chấn thương nhiều hơn.
  • Thừa cân, béo phì: Trọng lượng tăng gây áp lực lên khớp gối, lâu ngày gây tổn thương các thành phần của khớp, dẫn đến tràn dịch bên trong khớp gối.

Xem thêm: "Biến chứng  nguy hiểm bệnh tiểu đường ở người già"

Cách điều trị tràn dịch khớp gối

Việc lựa chọn phương pháp điều trị tràn dịch khớp gối phụ thuộc vào nguyên nhân, mức độ và giai đoạn của bệnh nhưng thường có các phương pháp phổ biến sau:

Điều trị bằng thuốc

Bao gồm thuốc giảm đau, chống viêm, thuốc kháng sinh khi có nguy cơ bị nhiễm khuẩn, thuốc ức chế miễn dịch khi bị viêm khớp dạng thấp. Tuy nhiên, quá trình sử dụng thuốc cần được theo dõi nghiêm ngặt bởi bác sĩ điều trị, đặc biệt là đối với thuốc có tác dụng phụ như corticoid.

Điều trị xâm lấn

Việc lượng dịch tồn đọng trong khớp không chỉ hạn chế vận động mà còn làm bệnh nhân đau đớn và khó chịu, vì vậy việc chọc hút sẽ giúp giảm nhẹ các triệu chứng cho bệnh nhân. Chọc hút có thể kết hợp với cả tiêm corticoid để điều trị. Ngoài ra, nội soi khớp giúp chẩn đoán và điều trị các tổn thương như viêm màng hoạt dịch, sụn, dây chằng hoặc thoái hóa khớp. Cuối cùng khi tổn thương thoái hóa khớp quá nặng bệnh nhân cần được phẫu thuật để điều trị.

Tự chăm sóc khi bị tràn dịch khớp gối

Bệnh nhân cần được nghỉ ngơi, tránh đi lại nhiều nhằm giảm thiểu trọng tải mà khớp gối phải chịu đựng, chườm đá và kê cao chân sẽ giúp tuần hoàn phía chi dưới được thuận lợi và giảm sưng nề.

Bị tràn dịch khớp gối nên ăn gì

  • Để hỗ trợ điều trị bệnh tràn dịch khớp gối, bệnh nhân nên bổ sung những thực phẩm cần thiết như sau:
  • Cá béo giàu omega-3 Theo các chuyên gia dinh dưỡng, Omega-3 có tác dụng giảm tình trạng sưng khớp và làm dịu cơn đau. Ngoài ra, bổ sung Omega-3 còn giảm nguy cơ mắc bệnh viêm khớp dạng thấp cũng như các bệnh về tim mạch, tiểu đường.
  • Thực phẩm giàu vitamin A, C và K như cà rốt, cải bó xôi, đu đủ, cà chua, dưa chuột, khoai lang, cam hỗ trợ cải thiện hệ miễn dịch cũng như chất lượng xương khớp.
  • Các loại quả mọng giàu chất chống oxy hóa như quả mâm xôi, nho đen và đỏ, dâu tây, việt quất giúp hỗ trợ hệ miễn dịch và chống các tác nhân gây viêm khớp.
  • Thực phẩm giàu Sulforaphane và Glucosinolate có kể đến các loại rau họ cải như bắp cải, bông cải xanh giúp làm chậm tổn thương sụn trong viêm khớp và ngăn chặn tình trạng viêm.
  • Thực phẩm giàu vitamin D như trứng, cá, tôm, hàu và các sản phẩm từ sữa giúp hệ xương chắc khỏe, đồng thời giảm sưng viêm và phù nề.
  • Bổ sung thực phẩm nhiều canxi như đậu bắp, đậu trắng, hạnh nhân, đậu phụ, các loại rau màu xanh thẫm… để hỗ trợ sự phát triển của xương khớp, từ đó chống lại tình trạng loãng xương, thoái hóa khớp.
  • Sử dụng dầu oliu nguyên chất có chứa hợp chất Oleocanthal có đặc tính chống viêm tự nhiên.
  • Tăng cường các loại gia vị chống viêm như nghệ, gừng, quế, đinh hương, ngải cứu,…

Bị tràn dịch khớp gối kiêng ăn gì

Ngoài những thực phẩm nên ăn để kiểm soát hiện tượng tràn dịch khớp gối, bệnh nhân cũng nên lưu ý kiêng ăn một số thực phẩm có thể làm tình trạng sưng và viêm nặng hơn. Cụ thể như:

·         Đồ cay nóng như ớt tiêu, măng, cá ngừ, thịt bò… có thể làm tăng tiết dịch gây đau nhức.

·         Đồ ăn chiên rán không tốt xương khớp, tăng nguy cơ viêm nhiễm.

·         Đồ nếp như xôi, ngô, khoai khiến tình trạng viêm sưng nặng hơn, từ đó càng kéo dài thời gian điều trị.

·         Nội tạng động vật và đồ ăn nhiều muối làm giảm khả năng hấp thụ canxi của cơ thể, cùng lúc càng làm trầm trọng thêm các cơn đau nhức.

·         Thực phẩm chế biến sẵn và bơ làm tăng lượng lipid và gây viêm sưng.

·         Rượu bia và chất kích thích làm tăng lượng dịch tụ khớp gối.

 

Bệnh Lý Thường Gặp