THOÁI HÓA KHỚP GỐI: NGUYÊN NHÂN, TRIỆU CHỨNG VÀ CÁCH ĐIỂU TRỊ HIỆU QUẢ

Thoái hóa khớp gối là một trong những dạng viêm khớp phổ biến nhất. Bệnh tiến triển qua nhiều giai đoạn, gây ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống và sinh hoạt của người bệnh. Trước đây, bệnh thường tấn công người già, nhưng nhịp sống bận rộn cùng lối sống kém khoa học ngày nay khiến bệnh có xu hướng ngày càng trẻ hóa. 

1. Tổng quan bệnh thoái hóa khớp gối

Thoái hóa khớp gối là hiện tượng biến đổi sụn khớp, xương dưới sụn, hình thành các gai xương, cuối cùng có thể dẫn đến biến dạng khớp; có thể kèm theo các tổn thương các cấu trúc khác bên trong khớp như màng hoạt dịch, dây chằng, sụn chêm.

Khi khớp bị thương tổn nhiều, chất lượng dịch khớp sẽ càng ngày càng kém, độ ma sát giữa các đầu khớp sẽ tăng lên, mặt sụn khớp gối càng bị hao mòn, dẫn đến hẹp khe khớp ảnh hưởng đến khả năng vận động của khớp gối gây đau, vận động khó khăn.


Thoái hóa khớp gối là gì?

2. Cấu tạo và vai trò của khớp gối

Đầu gối là một trong những khớp lớn nhất và phức tạp nhất trên cơ thể. Đầu gối nối xương đùi với xương ống chân (xương chày). Xương mác (nằm ngoài cẳng chân, chia sẻ bớt gánh nặng cho xương chày) và xương bánh chè là những xương khác góp phần tạo nên khớp gối.

Gân kết nối xương đầu gối với cơ chân, giúp khớp gối cử động linh hoạt. Trong khi đó, các dây chằng xung quanh xương đầu gối có nhiệm vụ tạo sự ổn định cho đầu gối. Có 4 loại dây chằng gối:

  • Dây chằng chéo trước: ngăn không cho xương đùi trượt ra sau trên xương chày (hoặc xương chày trượt ra trước trên xương đùi).
  • Dây chằng chéo sau: ngăn không cho xương đùi trượt ra trước trên xương chày (hoặc xương chày trượt ra sau trên xương đùi).
  • Dây chằng chéo giữa và dây chằng bên: ngăn không cho xương đùi trượt từ bên này sang bên kia.
  • Hai miếng sụn hình chữ C (gọi là sụn chêm giữa và sụn bên) đóng vai trò giảm xóc giữa xương đùi và xương chày. Còn bao hoạt dịch – túi chứa đầy chất lỏng – giúp đầu gối cử động trơn tru.

3. Nguyên nhân thoái hóa khớp gối

Bệnh thoái hóa khớp gối thường xảy ra ở những người lớn tuổi. Nguyên nhân thoái hóa khớp gối chủ yếu do lão hóa bởi tuổi tác, nhất là những người có tiền sử lao động chân tay nặng nhọc, mang vác nhiều, đứng lâu hoặc công việc và béo phì.


Bệnh thoái hóa khớp gối thường xảy ra ở những người lớn tuổi

Cũng có một số trường hợp thoái hóa khớp gối bởi chấn thương khớp như: Đứt dây chằng khớp gối, vỡ, nứt lồi cầu dưới xương đùi hoặc xương chày hoặc nứt, vỡ xương bánh chè,....

Thoái hóa khớp gối có thể do yếu tố thuận lợi của trục chi dưới, bởi bất thường về giải phẫu hoặc do tổn thương ở khớp gối bởi các nguyên nhân do viêm nhiễm.

Nguyên nhân do chấn thương xương đùi, xương chậu (vỡ, rạn, nứt, gãy...).

4.Triệu chứng thoái hóa khớp gối

Dấu hiệu thoái hóa khớp gối có thể bao gồm:

Đau khớp gối bị thoái hóa với các biểu hiện: Đau quanh khớp gối hoặc chỉ đau một vài điểm, lúc đầu đau chỉ xuất hiện nhẹ, nhất là lúc đi lại nhiều, hoặc lúc lên xuống cầu thang hoặc lên dốc, thường xuất hiện vào ban đêm. Đây là biểu hiện đầu tiên của bệnh.

Càng về sau, khớp gối có thể bị sưng lên do viêm hoặc do tràn dịch khớp, nếu được chọc hút dịch ra, đau sẽ giảm nhưng có thể tái phát vài ngày sau đó. Khi bệnh trở nên nặng hơn, người bị thoái hóa khớp gối có thể bị cứng khớp, biểu hiện rõ nhất là lúc sáng sớm, lúc vừa ngủ.


Dấu hiệu của bệnh thoái hóa khớp gối là gì?

5. Đối tượng nguy cơ thoái hóa khớp gối

Từ nguyên nhân gây bệnh, có thể kể đến các đối tượng có nguy cơ cao bị thoái hóa khớp gối như sau:

  • Tuổi tác: Những người lớn tuổi, đặc biệt người già có nguy cơ cao bị thoái hóa khớp gối.
  • Những người lao động chân tay nặng nhọc, mang vác nhiều.
  • Những người béo phì.
  • Những người có tiền sử bị chấn thương khớp như đứt dây chằng khớp gối, vỡ, nứt lồi cầu dưới xương đùi,...

6. Các biện pháp chẩn đoán và điều trị thoái hóa khớp gối

Để chẩn đoán thoái hóa khớp gối, có thể sử dụng các biện pháp sau:

  • Căn cứ diễn biến của bệnh để thăm khám khớp gối và thăm khám toàn thân.
  • Sau đó, trên cơ sở tình trạng bệnh để chỉ định một số xét nghiệm như: Chụp X-quang, chụp cắt lớp vi tính (CT), chụp cộng hưởng từ (MRI).
  • Trong trường hợp sưng khớp, bác sĩ sẽ siêu âm khớp, nếu có đủ điều kiện vô trùng tuyệt đối, có thể chọc hút thăm dò…


Cần tuân thủ các phương pháp điều trị chuyên sâu để bệnh chữa hiệu quả

Trên cơ sở chẩn đoán bệnh, tùy vào mức độ bệnh để có phương pháp điều trị thích hợp.

  • Bệnh nhân cần được nghỉ ngơi, tập luyện đúng phương pháp tránh cứng khớp và teo cơ, chế độ ăn đầy đủ chất, bổ sung canxi và khoáng chất.
  • Trong trường hợp người bệnh thừa cân - béo phì cần được tư vấn và điều trị giảm cân.
  • Hiện nay có nhiều phương pháp điều trị khớp gối không dùng thuốc như: châm cứu, điện châm, thủy châm, cấy chỉ.
  • Phẫu thuật/thay khớp gối

Trên đây là những thông tin về bệnh thoái hóa khớp gối mà TTH Hospital chia sẻ cho quý bạn đọc được biết và hiểu sâu hơn về căn bệnh. Ngoài ra, nếu cần tư vấn và thăm khám chữa bệnh tại các hệ thống bệnh viện của TTH hãy liên hệ cho chúng tôi để được giải đáp nhanh chóng.

 

Bệnh Lý Thường Gặp