Bệnh sỏi thận: Phân loại, nguyên nhân và cách điều trị

Sỏi thận là những viên sỏi cứng hình thành trong thận do sự tích tụ các khoáng chất trong nước tiểu. Bệnh sỏi thận có thể gây ra cơn đau dữ dội, buồn nôn và nếu không được điều trị, sỏi thận có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như nhiễm trùng thận, suy thận. Bài viết này sẽ cung cấp cho bạn cái nhìn tổng quan về phân loại, nguyên nhân và các phương pháp điều trị hiệu quả bệnh sỏi thận.

1. Sỏi thận - Kẻ thù thầm lặng

Sỏi thận là những viên sỏi cứng hình thành trong thận do sự tích tụ các khoáng chất trong nước tiểu. Sỏi thận có kích thước đa dạng, thường giao động từ vài milimet đến vài centimet.

Bệnh có thể ảnh hưởng đến một hoặc cả hai quả thận và thường gặp ở người trưởng thành từ 30 đến 60 tuổi. Ước tính cứ 10 người thì có 1 người mắc bệnh sỏi thận trong đời, thường phổ biến ở nam giới độ tuổi trung niên.

Sỏi thường hình thành trong đài thận hoặc bể thận, sau đó di chuyển xuống niệu quản - ống dẫn nước tiểu từ thận đến bàng quang. Một số viên sỏi nhỏ có thể tự đào thải ra ngoài qua đường nước tiểu mà không gây triệu chứng. Tuy nhiên, khi sỏi di chuyển đến niệu quản và mắc kẹt, nó sẽ chặn dòng nước tiểu từ thận, gây ra những cơn đau dữ dội, buồn nôn, nôn và thậm chí là nhiễm trùng hoặc suy giảm chức năng thận nếu không được điều trị kịp thời.

Sỏi thận là những phân tử rắn được hình thành từ sự kết tinh của các khoáng chất hoặc muối axit có trong nước tiểu.

2. Phân loại sỏi thận

Sỏi thận được phân loại thành nhiều loại khác nhau dựa trên thành phần hóa học của chúng. Các loại sỏi thận phổ biến nhất bao gồm:

  • Sỏi canxi: Đây là loại sỏi thận phổ biến nhất, chiếm khoảng 80% các trường hợp. Nguyên nhân chính là do tình trạng nước tiểu quá bão hòa về muối canxi do tăng hấp thu canxi ở ruột hoặc tăng tái hấp thu canxi ở ống thận.
  • Sỏi axit uric: Sỏi axit uric thường gặp ở những người có chế độ ăn uống nhiều purin, mắc bệnh gút, tiểu đường, béo phì hoặc các hội chứng chuyển hóa khác. Được biết, purin là một chất không màu có trong protein động vật, bao gồm cá, động vật có vỏ và các loại thịt.
  • Sỏi struvite: Loại sỏi này thường gặp ở những người có tiền sử nhiễm trùng đường tiết niệu. Sỏi struvite được hình thành do vi khuẩn trong đường tiết niệu tạo ra amoniac, dẫn đến sự kết tinh của các khoáng chất.
  • Sỏi cystine: Loại sỏi này hiếm gặp hơn, khoảng 1 trong 7.000 người trên thế giới bị sỏi thận Cystine - một loại axit xuất hiện tự nhiên trong cơ thể. Sỏi cystine được hình thành do một rối loạn di truyền khiến cơ thể bài tiết quá nhiều cystine trong nước tiểu.

3. Nguyên nhân gây bệnh sỏi thận

Sỏi thận có thể hình thành và di chuyển đến bất kỳ vị trí nào trên đường tiết niệu. Dưới đây là các nguyên nhân phổ biến gây sỏi thận:

  • Mất nước: Uống không đủ nước có thể khiến nước tiểu trở nên cô đặc, làm tăng nguy cơ hình thành sỏi.
  • Chế độ ăn uống: Chế độ ăn uống nhiều canxi, oxalat, purin và natri có thể làm tăng nguy cơ hình thành sỏi.
  • Béo phì: Béo phì làm tăng nguy cơ hình thành sỏi canxi và axit uric.
  • Thuốc men: Một số loại thuốc, chẳng hạn như thuốc lợi tiểu và thuốc chống co giật, có thể làm tăng nguy cơ hình thành sỏi.
  • Tiền sử gia đình: Nếu có người thân bị sỏi thận, bạn có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
  • Một số bệnh lý: Một số bệnh lý như bệnh tăng tuyến giáp cận giáp, bệnh Crohn và hội chứng Cushing có thể làm tăng nguy cơ hình thành sỏi.

Sỏi thận có thể hình thành do nhiều nguyên nhân khác nhau.

4. Các triệu chứng của bệnh sỏi thận

Sỏi thận có thể gây ra đau dữ dội và thường các triệu chứng không xuất hiện cho đến khi sỏi bắt đầu di chuyển xuống niệu quản. Triệu chứng phổ biến nhất của bệnh sỏi thận là đau dữ dội ở vùng lưng dưới hoặc hai bên hông. Cơn đau có thể lan ra bụng dưới, đùi và bẹn. Các triệu chứng khác của bệnh sỏi thận bao gồm:

  • Đau lưng và vùng mạn sườn dưới do cảm giác cọ xát hoặc tắc nước tiểu dẫn tới cơn đau có thể lan ra phía bụng dưới, mạn sườn và bắp đùi. 
  • Đau khi đi tiểu có thể do sỏi thận di chuyển từ niệu quản tới bàng quang hoặc từ bàng quang tới niệu đạo, gây ra đau buốt. 
  • Tiểu ra máu có thể xảy ra do sỏi gây tổn thương, có thể thấy bằng mắt thường hoặc cần dùng kính hiển vi để quan sát rõ hơn. 
  • Tiểu dắt và tiểu són thường xảy ra khi sỏi ở niệu quản hoặc bàng quang, đi kèm với cảm giác buồn đi tiểu và thường xuyên đi tiểu. 
  • Cảm giác buồn nôn và nôn có thể xảy ra do sỏi thận gây ra ảnh hưởng đến đường tiêu hóa. 
  • Cảm giác sốt và ớn lạnh thường xuất hiện khi có nhiễm trùng đường tiết niệu do sỏi thận.

Sỏi thận khi di chuyển và gây tắc nghẽn là nguyên nhân chủ yếu gây ra những cơn đau thận dữ dội.

5. Các phương pháp chẩn đoán bệnh sỏi thận

Khi nghi ngờ mắc bệnh sỏi thận, bạn cần đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Bác sĩ sẽ tiến hành hỏi về tiền sử bệnh, khám lâm sàng và thực hiện các xét nghiệm cần thiết như:

  • Kiểm tra lâm sàng và lịch sử bệnh: Bác sĩ sẽ thu thập thông tin về các triệu chứng, lối sống và tiền sử sức khỏe của bệnh nhân.
  • Siêu âm thận: Sử dụng sóng siêu âm để tạo hình ảnh thận và xác định sự có mặt của sỏi.
  • Xét nghiệm nước tiểu: Kiểm tra thành phần hóa học của nước tiểu để phát hiện các dấu hiệu của sỏi thận.
  • Chụp CT scan thận: Nhằm cung cấp hình ảnh chi tiết về kích thước, vị trí và số lượng sỏi thận.

6. Các phương pháp điều trị bệnh sỏi thận

Phương pháp điều trị sỏi thận tùy thuộc vào kích thước và vị trí của sỏi, bao gồm:

  • Với những trường hợp sỏi nhỏ với ít triệu chứng thì có thể uống thuốc điều trị hoặc uống nhiều nước để giúp đẩy sỏi ra ngoài cơ thể qua đường tiểu.
  • Với trường hợp sỏi quá lớn hoặc gây ra các biến chứng nghiêm trọng thì cần các phương pháp điều trị hiệu quả hơn: kỹ thuật không xâm lấn (tán sỏi ngoài cơ thể bằng sóng xung kích), kỹ thuật can thiệp ít xâm lấn (nội soi tán sỏi qua da, nội soi tán sỏi thận qua da siêu nhỏ, nội soi niệu quản) và kỹ thuật phẫu thuật thận qua da.

Sỏi thận có thể được điều trị bằng nhiều phương pháp khác nhau, tùy thuộc vào kích thước, vị trí và tình trạng sức khỏe của bệnh nhân.

Bệnh sỏi thận có thể gây ra nhiều đau đớn và ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, với việc hiểu rõ nguyên nhân, triệu chứng, cách phòng tránh và các phương pháp điều trị, bạn có thể bảo vệ sức khỏe thận một cách hiệu quả. Nếu có bất kỳ dấu hiệu nghi ngờ nào, bạn có thể liên hệ ngay với TTH Hospital để biết thêm thông tin về bệnh lý và sẽ được tư vấn cụ thể.

Bệnh Lý Thường Gặp