DẤU HIỆU NHẬN BIẾT VÀ CÁCH ĐIỀU TRỊ BỆNH VIÊM AMIDAN CẤP TÍNH

Viêm Amidan là một trong những bệnh tai mũi họng phổ biến nhất trên toàn cầu, chiếm khoảng 30,6% tổng số người mắc bệnh liên quan đến đường hô hấp. Nếu không điều trị sớm và dứt điểm sẽ dễ gây biến chứng, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt, sức khỏe của người bệnh. Do vậy, bạn hãy tìm hiểu kỹ thông tin về dấu hiệu Amidan qua bài viết sau để biết cách phòng ngừa tốt nhất cho bản thân.

1. Viêm amidan cấp là gì?

Viêm amidan cấp tính là một quá trình viêm của mô amidan kéo dài không quá 2 tuần và thường có tính chất truyền nhiễm. Nhiễm trùng amidan khẩu cái cấp tính chủ yếu xảy ra ở trẻ em trong độ tuổi đi học, nhưng mọi lứa tuổi đều có thể bị ảnh hưởng.

Viêm amidan cấp tính do virus thường được điều trị bằng chăm sóc hỗ trợ. Viêm amidan do vi khuẩn phổ biến nhất là do Streptococcus pyogenes gây ra. Nhiễm trùng đa vi khuẩn và mầm bệnh virus cũng là nguyên nhân có thể gặp.


Viêm Amidan là một trong những bệnh tai mũi họng phổ biến nhất trên toàn cầu

2. Nguyên nhân viêm amidan cấp

Có tới 70% trường hợp viêm amidan cấp tính là do virus gây ra, thường là các loài adenovirus, virus cúm, virus parainfluenza, enterovirus và Mycoplasma.

Trẻ em và thanh niên bị nhiễm virus Epstein-Barr (EBV), mắc bệnh bạch cầu đơn nhân nhiễm trùng có thể bị viêm amidan. Virus Herpes simplex, Cytomegalovirus và virus sởi cũng có liên quan đến viêm amidan.

Vi khuẩn gây ra khoảng 15-30% trường hợp viêm amidan. Liên cầu khuẩn tan huyết beta nhóm A (GABHS) là loại vi khuẩn phổ biến nhất liên quan đến viêm amidan. Người ta tin rằng GABHS lây lan qua các giọt nhỏ trong không khí khi người bị nhiễm ho hoặc hắt hơi, hoặc qua thức ăn hoặc đồ uống dùng chung. Các cá nhân dễ lây nhiễm nhất trong giai đoạn đầu của bệnh.

3. Triệu chứng viêm amidan cấp

Dấu hiệu viêm amidan cấp thường bao gồm những biểu hiện sau:

  • Sốt;
  • Đau họng;
  • Hôi miệng;
  • Khó nuốt hoặc nghẹn cổ;
  • Nuốt đau;
  • Nổi hạch ở cổ;
  • Thở bằng miệng, ngáy hoặc ngưng thở khi ngủ;
  • Mệt mỏi, thờ ơ và khó chịu;
  • Các mảng trắng, mủ và/hoặc đỏ amidan;

Phát ban đỏ mịn trên cơ thể cho thấy bệnh ban đỏ có thể làm phức tạp thêm một trường hợp viêm amidan. Những triệu chứng này thường hết sau 3-4 ngày, nhưng có thể kéo dài đến 2 tuần, ngay cả khi được điều trị. Một số bệnh nhân bị viêm amidan tái phát, trong đó, các triệu chứng quay trở lại ngay sau khi hoàn thành liệu pháp kháng sinh.


Những biểu hiện của bệnh viêm amidan cấp tính

4. Nhóm đối tượng có nguy cơ mắc bệnh

Viêm Amidan có thể thấy ở bất kỳ lứa tuổi nào. Tuy nhiên, phổ biến nhất vẫn là trẻ em trong độ tuổi 5 đến 15 tuổi, đặc biệt rất hiếm thấy xuất hiện ở trẻ dưới 3 tuổi. Ở lứa tuổi khác, dấu hiệu Amidan thường xuất hiện ở người có tiền sử bệnh về đường hô hấp trên như: viêm xoang, viêm mũi, ho, đau họng, viêm họng,…

5. Chẩn đoán viêm Amidan chính xác

Việc chẩn đoán chính xác bệnh viêm Amidan là rất cần thiết để chữa trị kịp thời, và quan trọng hơn là tìm được đúng căn nguyên gây bệnh để có phương pháp điều trị trúng đích, hiệu quả và an toàn.

Có hai phương pháp chẩn đoán dấu hiệu Amidan như sau:

5.1. Phương pháp khám lâm sàng

Bác sĩ sẽ đánh giá lâm sàng bệnh nhân bằng cách hỏi bệnh và khám trực tiếp tại vị trí sưng.

Bệnh nhân sẽ cung cấp thông tin về tiền sử bệnh, các triệu chứng mình đang gặp phải, tính chất và biểu hiện của chúng ra sao. Bác sĩ sẽ khám tại cổ họng bệnh nhân, nhìn trực tiếp trạng thái viêm. Từ đó đánh giá và chẩn đoán bệnh.

5.2. Phương pháp xét nghiệm

Mặc dù biểu hiện viêm Amidan rất dễ nhận biết trên lâm sàng nhưng nguyên nhân của nó lại khó xác định được chính xác khi chỉ nhìn vào. Do vậy, phương pháp xét nghiệm là rất cần thiết để xác định tác nhân gây bệnh.

Bệnh nhân sẽ được lấy dịch cổ họng để nuôi cấy hoặc xét nghiệm kháng nguyên.


Việc chẩn đoán chính xác bệnh viêm Amidan là rất cần thiết để chữa trị kịp thời

6. Điều trị viêm amidan cấp như thế nào?

Điều trị viêm amidan cấp chủ yếu là giảm các triệu chứng tại chỗ và uống thuốc kháng sinh trong trường hợp do vi khuẩn. Phẫu thuật cắt amidan hiếm khi được chỉ định khi amidan viêm cấp.

6.1. Thuốc kháng sinh

Với viêm amidan do virus thường không cần điều trị kháng sinh. Bù nước và kiểm soát cơn đau rất cần thiết và có thể phải nhập viện trong những trường hợp nghiêm trọng. Đặc biệt khi bệnh nhân bị mất nước hoặc tắc nghẽn đường thở.

Viêm amidan do vi khuẩn cần được điều trị bằng thuốc kháng sinh, giúp viêm amidan GABHS nhanh khỏi hơn và ngăn ngừa các biến chứng như viêm cầu thận, viêm cơ tim, sốt thấp khớp.

Các loại kháng sinh phổ biến được sử dụng để điều trị viêm amidan bao gồm penicillin, cephalosporin, macrolid hoặc clindamycin.

6.2. Phẫu thuật cắt amidan

Trong một số tình huống nhất định được xác định bởi bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng, phẫu thuật cắt bỏ amidan có thể được đề nghị.

Thông thường, trẻ em bị viêm amidan 7 đợt trong một năm hoặc 5 đợt mỗi năm trong hai năm liên tiếp hoặc 3 đợt mỗi năm trong ba năm liên tiếp sẽ được khuyến nghị cắt amidan.

Nếu bệnh nhân bị viêm amidan nặng gây biến chứng áp xe quanh amidan, có thể cần phẫu thuật để dẫn lưu mủ từ ổ áp xe.

7. Phương án phòng ngừa viêm Amidan

7.1. Đối với nhóm trẻ em

Trẻ em là đối tượng cần được chăm sóc và thăm khám bởi các bác sĩ có chuyên môn. Để phòng ngừa viêm Amidan ở trẻ, các bậc phụ huynh cần lưu ý các điểm sau:

  • Hướng dẫn và nhắc nhở trẻ chăm sóc răng miệng, họng sạch sẽ. Nên sử dụng nước muối sinh lý để súc họng hàng ngày.
  • Giữ gìn vệ sinh các đồ dùng, đồ chơi của trẻ. Vệ sinh các đồ chơi định kỳ.
  • Giữ ấm vùng họng trong mùa đông bằng mặc đồ ấm, quàng khăn, uống nước ấm.
  • Chế độ dinh dưỡng: cần bổ sung đầy đủ dinh dưỡng cho trẻ qua thức ăn, các loại thực phẩm bổ sung, hoa quả,… để trẻ tăng cường sức đề kháng, chống lại tác nhân gây bệnh.
  • Nhắc nhở trẻ uống đủ nước mỗi ngày.
  • Nên đưa trẻ đi khám định kỳ để phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường ở trẻ.


Các phương pháp điều trị bệnh Amidan

7.2. Đối với nhóm người lớn

Biểu hiện viêm Amidan rất thường gặp trong điều kiện thời tiết thay đổi, đặc biệt là những người đã có tiền sử ác bệnh lý trên đường hô hấp. Do vậy, để chủ động phòng ngừa viêm Amidan cho bản thân và các thành viên trong gia đình, mọi người cần thực hiện các biện pháp sau đây:

  • Uống đủ 2 lít nước mỗi ngày. Đối với người có tính chất công việc nặng sức, cần bổ sung nhiều hơn.
  • Vệ sinh răng miệng sạch sẽ, đánh răng hai lần sáng và tối. Súc miệng bằng nước muối.
  • Hạn chế ăn đồ ăn cay nóng, rượu bia, thuốc lá,… tránh tình trạng tổn thương vùng họng. Nên có chế độ ăn uống, sinh hoạt lành mạnh.
  • Giữ gìn vệ sinh không gian sống, thường xuyên lau dọn nội thất, nhà cửa.
  • Tăng cường luyện tập thể dục thể thao, duy trì sức khỏe thể chất.
  • Hạn chế nói lớn tiếng và cố gắng nói ít hơn bình thường.

Biểu hiện viêm amidan cấp diễn ra trong thời gian dưới 2 tuần. Các nguyên nhân chủ yếu từ virus. Virus có thể gây ra các đợt dịch bùng phát, ảnh hưởng đến cộng đồng. Vì điều này, tiêm các loại vắc xin phòng ngừa các loại virus gây bệnh đường hô hấp là biện pháp bảo vệ tốt nhất, tránh nguy cơ viêm amidan cấp tính và các biến chứng nguy hiểm. Trên đây là những thông tin TTH Hospital chia sẻ đến quý bạn đọc để phòng tránh và nhận biết chính xác về bệnh.

 

Bệnh Lý Thường Gặp