VIÊM DA CƠ ĐỊA: NGUYÊN NHÂN, TRIỆU CHỨNG VÀ PHƯƠNG PHÁP ĐIỀU TRỊ

Viêm da cơ địa là thể viêm da rất mạn tính với nguyên nhân di truyền rõ rệt, thường khởi phát ở trẻ em và đi kèm với hen, viêm mũi. Bệnh này gây khó chịu, đau rát hoặc gây mất thẩm mỹ trên cơ thể. Hãy cùng TTH Hospital tìm hiểu thêm về bệnh viêm da cơ địa và cách điều trị căn bệnh này.

1. Viêm da cơ địa là gì?

Viêm da cơ địa là dạng bệnh đặc trưng với dấu hiệu xuất hiện các mảng da viêm đỏ, bong vảy, ngứa dữ dội, có khi da viêm đỏ rỉ dịch. Bệnh còn được gọi là chàm thể tạng, bệnh này khi xuất hiện ở trẻ em còn gọi là chàm sữa hay lác sữa. Hành động gãi khiến da trầy xước, nhiễm trùng da và tăng đợt ngứa nhiều hơn.


Viêm da cơ địa là thể viêm da rất mạn tính với nguyên nhân di truyền

2. Triệu chứng viêm da cơ địa

Triệu chứng bệnh viêm da cơ địa rất điển hình là da viêm đỏ, tróc vảy, chảy dịch, dày sừng, nứt nẻ, ngứa râm ran hay ngứa dữ dội. Triệu chứng bệnh khác nhau vào từng độ tuổi và giai đoạn bệnh.

  • Ở trẻ sơ sinh (0-30 ngày đầu chào đời) và nhũ nhi (1-12 tháng tuổi): 2 bên má, quanh miệng, trán, thân mình, cổ, bẹn, các kẽ da (nếp da) có ban đỏ, tróc vảy, nhiều mụn nước nhỏ vỡ ra chảy dịch gây viêm trợt. Vết loét đóng vảy, khô, có thể bị nhiễm vi khuẩn. Ở một số bệnh nhi còn có dấu hiệu đi kèm khác như: tiêu chảy, viêm tai giữa. Bệnh làm trẻ mất ngủ, quấy khóc.
  • Ở trẻ em (2-12 tuổi): da khô ráp, nứt nẻ, ngứa ở vùng da sau đầu gối, trên đầu gối, khuỷu tay, các nếp da (kẽ da),… Ở vùng da ngứa hình thành mảng lichen hóa dạng đĩa. Trẻ bị bệnh thường kèm với tình trạng đục thủy tinh thể, viêm kết mạc dị ứng.
  • Ở người trưởng thành: ở giai đoạn cấp tính, người bệnh xuất hiện nhiều ban đỏ, bề mặt da có mụn nước nhỏ, nông, chảy dịch gây phù nề, vảy tiết. Vùng da tổn thương thấy ngứa, nóng rát và sưng đau. Da khô sần sùi kéo dài dai dẳng. Khi bệnh ở dạng mãn tính thì da tổn thương trở nên thâm sạm, dày sừng, nứt nẻ, ngứa âm ỉ đến dữ dội.


Triệu chứng bệnh viêm da cơ địa rất điển hình

3. Nguyên nhân viêm da cơ địa

Bệnh có thể xuất hiện do ảnh hưởng bởi những yếu tố: cơ địa hay bị dị ứng; tiếp xúc thường xuyên với xà phòng, chất tẩy rửa, dị ứng thời tiết, dị ứng thực phẩm, nhiễm trùng cấp tính gây suy giảm miễn dịch, rối loạn nội tiết, căng thẳng thần kinh.

Nếu cả ba và mẹ đều bị viêm da cơ địa thì 80% trẻ sinh ra có nguy cơ bị bệnh.

Ở một số trường hợp bệnh viêm da cơ địa đi kèm với hen suyễn, viêm mũi dị ứng và dị ứng thực phẩm tạo thành một phức hợp bệnh cơ địa dị ứng. Ngoài ra, trong gia đình có người bị hen suyễn, viêm mũi dị ứng thì thế hệ sau sẽ có di truyền các bệnh dị ứng.

4. Biến chứng viêm da cơ địa

Người bệnh viêm da cơ địa không được điều trị sớm có thể gây ra các biến chứng sau:

  • Bệnh hen suyễn và sốt cỏ khô: hơn 50% trẻ bị viêm da cơ địa dễ mắc thêm bệnh hen suyễn và sốt cỏ khô.
  • Viêm da thần kinh mạn tính: người bệnh càng gãi thì càng ngứa nên vùng da tổn thương đổi màu, dày lên.
  • Nhiễm trùng da: do gãi nhiều gây ra lở loét, vết nứt, tăng nguy cơ nhiễm vi khuẩn và vi rút.
  • Viêm da tay: dễ xảy ra với người làm trong môi trường ẩm ướt, tiếp xúc với xà phòng và chất tẩy rửa.
  • Viêm da tiếp xúc dị ứng hoặc kích ứng: do tiếp xúc với các hóa chất công nghiệp, hóa mỹ phẩm, ô nhiễm môi trường,…
  • Rối loạn giấc ngủ: ngứa nhiều ảnh hưởng đến giấc ngủ.


Người bệnh viêm da cơ địa không được điều trị sớm có thể gây ra các biến chứng

5. Chẩn đoán viêm da cơ địa

Người bệnh được bác sĩ hỏi thăm sức khỏe, tìm hiểu tình trạng bệnh, có thể thực hiện một số xét nghiệm để xác định độ nặng và biến chứng của bệnh.

6. Cách điều trị viêm da cơ địa

Bệnh viêm da cơ địa hiện nay được điều trị để giúp người bệnh giảm cơn ngứa, tránh nhiễm trùng da và các biến chứng… chứ dạng mạn tính không thể chữa dứt điểm.

  • Dùng thuốc chống ngứa: người bệnh được chỉ định dùng thuốc bôi chống ngứa, thậm chí uống thêm thuốc kháng histamin chống dị ứng.
  • Kem dưỡng ẩm: bôi 2-3 lần/ngày để cải thiện tình trạng da bị khô, làm mềm da, tránh nứt nẻ gây nhiễm trùng.
  • Bôi kem kháng viêm: sử dụng nếu da viêm, sưng đỏ, ngứa và hạn chế sử dụng khi da cải thiện. Thuốc kháng viêm thường chứa corticoid, cần tuân thủ chặt chẽ theo hướng dẫn của bác sĩ, nếu lạm dụng quá nhiều khiến màu da thay đổi, da mỏng, mọc lông, nguy cơ nhiễm trùng cao hơn.
  • Điều trị kháng sinh: chỉ dùng trong thời gian ngắn nếu da nhiễm trùng. Nếu vết thương bị hở hay chảy dịch cần đắp gạc và vệ sinh thay băng mỗi ngày để tránh bội nhiễm.

Ngoài ra, người bệnh có thể chườm lạnh để giảm viêm và giảm ngứa ở da, tham gia các hoạt động vui chơi để giải tỏa căng thẳng, ngủ đủ giấc, tập thể dục, vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, tránh thức ăn dễ gây dị ứng, không tắm quá 20 phút một lần.


Hãy thăm khám da nếu bạn có các biểu hiện tránh để lâu gây ra khó điều trị

7. Cách phòng ngừa viêm da cơ địa

  • Vệ sinh cơ thể sạch sẽ và thường xuyên, đặc biệt sau khi đổ nhiều mồ hôi.
  • Bôi kem dưỡng ẩm cho da sau khi tắm để tránh khô da.
  • Hạn chế tắm nước nóng để tránh kích thích da, gây ngứa và viêm.
  • Sử dụng cố định loại nước hoa, mỹ phẩm, xà phòng tắm gội dịu nhẹ, phù hợp với da.
  • Bạn phải đọc kỹ thành phần để tránh gây kích ứng cho da.
  • Hạn chế ăn hải sản, uống rượu bia, không hút thuốc lá,… có thể kích thích dị ứng, gây ngứa ngáy.
  • Không tự ý mua thuốc chống dị ứng, cần uống theo toa của bác sĩ.
  • Mặc áo thoáng mát, vải mềm, mỏng trong thời tiết nóng.
  • Uống đủ 1,5 – 2 lít nước mỗi ngày.

Trên đây là những thông tin về bệnh viêm da cơ địa TTH Hospital muốn chia sẻ đến bạn đọc để nhận biết và phòng ngừa hiệu quả. Mọi thắc mắc xin liên hệ tới TTH Hospital để được tư vấn và giải đáp cụ thể về từng loại bệnh.

 

Bệnh Lý Thường Gặp