Bệnh tay chân miệng: Dấu hiệu nhận biết sớm và cách điều trị 

Bệnh tay chân miệng là gì?

Tay chân miệng (HFMD- Hand, foot and mouth disease) là bệnh truyền nhiễm cấp thường gặp ở trẻ nhỏ, nhất là các bé dưới 5 tuổi do virus gây ra. Bệnh tay chân miệng có tốc độ lây lan nhanh, dễ thành dịch, bệnh xảy ra quanh năm, tăng cao vào tháng 2 đến tháng 5 và từ tháng 8 đến tháng 12 hàng năm. Bệnh rất nguy hiểm nếu không phát hiện sớm và có phương pháp điều trị kịp thời.

Nguyên nhân gây bệnh tay chân miệng

Nguyên nhân gây bệnh tay chân miệng chủ yếu là do nhóm virus đường ruột Enterovirus gây nên, trong đó nhóm thường gặp nhất là Coxsackie A16 và Enterovirus typ 71. Được biết virus

Coxsackie A16 thường ít gây ra các biến chứng về thần kinh và các triệu chứng tay chân miệng có thể tự khỏi trong vài ngày điều trị. Ngược lại, virus Enterovirus typ 71 (EV71) sẽ gây nên nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm phổi, viêm não, viêm màng não, viêm cơ tim và có thể dẫn đến tử vong.

Ngoài 2 nhóm virus gây bệnh tay chân miệng trên thì còn có một số chủng virus nhóm A khác như Coxsackie (A4, A5, A6, A7, A9 và A10) hoặc virus nhóm B như Coxsackie (B1, B2, B3, và B5) cũng có thể là nguyên nhân gây bệnh.

Dấu hiệu nhận biết sớm bệnh tay chân miệng

Dấu hiệu nhận biết sớm liệu trẻ có đang mắc bệnh tay chân miệng là

*Giai đoạn ủ bệnh tay chân miệng

Thời gian để virus xâm nhập và ủ bệnh giai đoạn đầu dao động từ 3 – 6 ngày.

*Giai đoạn khởi phát bệnh tay chân miệng

•    Trẻ có biểu hiện mệt mỏi, nóng sốt, sốt  nhẹ (37,5 - 38° C) hoặc bị sốt cao (38 - 39°C).

•    Tổn thương, đau rát ở răng, miệng kèm đau họng.

•    Tăng tiết nước bọt.

•    Biếng ăn.

•    Đau bụng, tiêu chảy vài lần trong ngày.

*Giai đoạn toàn phát bệnh tay chân miệng (thường bắt đầu sau 1 – 2 ngày khởi phát)

•    Trẻ bắt đầu xuất hiện các nốt ban dạng phỏng nước ở lòng bàn tay, bàn chân, đầu gối, mông. Các bọng nước có màu xám, hình bầu dục, đường kính từ 2 – 10mm (tùy vào mức độ bùng phát của virus). Chúng có thể nổi phồng trên bề mặt da hoặc cũng có thể mọc ẩn dưới da, khi sờ sẽ có cảm giác hơi cộm, tuy nhiên không đau đớn hay ngứa.

•    Lở loét miệng: niêm mạc má, lợi và lưỡi xuất hiện các bóng nước mỏng có đường kính khoảng 2 – 3mm, dễ vỡ khi tác động vào. Bóng nước vỡ tạo thành các vết loét khiến trẻ đau đớn, khó chịu khi giao tiếp, ăn uống và  quấy khóc.

•    Trên mông của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ xuất hiện tình trạng rộp da, mụn lở.

•    Rối loạn tri giác, mê sảng, co giật.

Ngoài các triệu chứng phổ biến trên, tùy vào thể trạng, mức độ bùng phát bệnh mà bệnh tay chân miệng còn có thể xuất hiện thêm một số biểu hiện như: 

-    Bọng nước nổi ít kèm hồng ban ở vị trí khác hoặc  chỉ xuất hiện hồng ban. 

-    Theo báo cáo, trường hợp bệnh tay chân miệng ở trẻ nhỏ có thể chỉ xuất hiện triệu chứng lở loét miệng. 

Trường hợp bệnh phát ở mức độ nhẹ, sáu khoảng 7 – 10 ngày chăm sóc tại nhà theo phác đồ điều trị của bác sĩ, trẻ sẽ hồi phục sức khỏe hoàn toàn. Trường hợp bé sốt cao trên 39°C kéo dài hơn 48 giờ kèm theo các biểu hiện như tay chân run rẩy, co giật, khó thở, tim đập nhanh, da nổi vằn, ói gia đình cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được khám chữa bệnh kịp thời. 

Con đường lây truyền của bệnh tay chân miệng

Các nhóm virus gây bệnh tay chân miệng có khả năng lây lan rất nhanh, dễ dàng truyền trực tiếp từ người sang người thông qua đường nước bọt hoặc các chất dịch từ mũi miệng của người mang bệnh. 

Được biết, thời gian phát tán virus gây bệnh mạnh nhất chính là thời điểm giai đoạn ủ bệnh (trong tuần đầu tiên) . Tuy nhiên thời gian lây nhiễm lại có thể kéo dài trong vài tuần bởi vì virus vẫn có khả năng tồn tại trong nước bọt, phân của người bệnh. Những con đường lây truyền virus gây bệnh tay chân miệng chủ yếu: 

•    Trẻ tiếp xúc trực tiếp với người bệnh mang virus.

•    Trẻ tiếp xúc tay, cầm nắm đồ chơi, vật dụng của người bị tay chân miệng.

•    Hít, ăn uống chung với người mang bệnh hoặc đứng gần đối tượng khi ho, hắt hơi, nói chuyện.

•    Tiếp xúc trực tiếp với dịch của bọng nước, mụn nước, phân của người bệnh tay chân miệng.

Tóm lại, bệnh tay chân miệng lây truyền khá nhanh nên có xu hướng bùng dịch nhanh. Chính vì vậy nếu không có những biện pháp phòng tránh nghiêm ngặt, trẻ nhỏ dễ dàng lây nhiễm bệnh tay chân miệng bất cứ khi nào. 

"Xem thêm: Ghẻ nước là bệnh gì? Cách điều trị bệnh ghẻ nước nhanh chóng hiệu quả."

Bệnh tay chân miệng có để lại biến chứng nguy hiểm không?

Bệnh tay chân miệng thông thường không để đến các biến chứng nguy hiểm nếu được phát hiện và điều trị sớm. Tuy nhiên trường hợp phát hiện muộn khi bệnh đã chuyển biến nặng sẽ có nguy cơ gây ra một số biến chứng như sau:  

•    Bị viêm màng não virus (triệu chứng sốt, đau đầu, đau lưng, cứng cổ), khi người bệnh xuất hiện tình trạng này cần lập tức đến bệnh viện thăm khám và điều trị kịp thời. 

•    Một vài trường hợp xuất dấu hiệu tê liệt, viêm não, thậm chí là bại liệt. 

•    Đối với trẻ có biến chứng não sẽ xuất hiện những triệu chứng khó nhận thấy như: nói lảm nhảm, tay chân  run, co giật, sốt cao, méo miệng khó ngủ, quấy khóc nhiều, thường xuyên giật mình lúc thức hay lúc bắt đầu ngủ.

Khi người bệnh xuất hiện các biến chứng trên nhưng không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ có nguy hiểm đếm tính mạng thậm chí trường hợp xấu có thể tử vong trong vài giờ.

Cách điều trị bệnh tay chân miệng lây lan hiệu quả

•    Cho đến hiện tại vẫn chưa có loại thuốc đặc trị hoặc vaccine phòng bệnh tay chân miệng. Cách điều trị bệnh tay chân miệng hiện nay vẫn chủ yếu là tập trung điều trị triệu chứng, chăm sóc dinh dưỡng cho bệnh nhân tại nhà và sử dụng các loại thuốc giảm đau, hạ sốt, bù đủ nước cho cơ thể theo phác đồ điều trị của bác sĩ.

•    Trường hợp bé bị sốt cao, bạn có thể sử dụng thuốc Paracetamon để hạ sốt và giảm đau theo đúng làm lượng mà bác sĩ kê đơn. Lưu ý, tuyệt đối không tự ý tăng giảm liều dùng thuốc và sử dụng thuốc có chứa thành phần Aspirin. Ngoài ra, để sát trùng niêm mạc cho trẻ, bố mẹ cũng nên sử dụng nước muối 0.9% để vệ sinh vết thương.

•    Xây dụng thực đơn hằng ngày cần đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng, bù nước kịp thời đề phòng tình trạng bị mất nước, hạ đường huyết. Đối với trẻ bú mẹ, nên cho trẻ nạp vào lượng sữa nhiều hơn so với bình thường (có thể chia nhỏ thành nhiều lần trong  ngày, tránh tình trạng trẻ no quá trớ, nôn ra ngoài).

•    Với trẻ lớn hơn cần kiêng các loại thức ăn gây tổn thương miệng như thức ăn mặn, cứng, nóng, chua, cay, đặc. Thay vào đó hãy cho trẻ ăn những món ăn mát, loãng, dễ nhai nuốt, dễ tiêu hóa. Trường hợp trẻ đau khoang miệng không muốn qua thức ăn chế biến thì có thể cho trẻ uống sữa, sữa chua, ăn trái giàu vitamin, khoáng chất trong thời gian điều trị bệnh tay chân miệng.

•    Để tránh bội nhiễm vi khuẩn, bố mẹ chú trọng vệ sinh cho trẻ bằng cách: tắm cho trẻ bằng các loại nước có tính sát trùng nhẹ như nước lá chè xanh, lá chân vịt, lá trầu không…Sau khi tắm, sử dụng dung dịch Betadin bôi lên vị trí xuất hiện các bọng nước. Lưu ý dụng cụ bôi cần được đảm bảo tính sạch sẽ, sát khuẩn (có thể dùng bông tăm nhúng betadin).

Bệnh tay chân miệng là loại bệnh truyền nhiễm có thể điều trị tại nhà dễ dàng theo phác đồ của Bác sĩ. Trong mùa dịch, khi phát hiện dấu hiệu bất thường ở trẻ nghi ngờ nhiễm bệnh bố mẹ thường đưa trẻ đến bệnh viện chuyên khoa da liễu hoặc truyền nhiễm để được thăm khám và điều trị kịp thời, tránh để bệnh trở nặng khó kiểm soát nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng.

TTH Hospital, chuỗi bệnh viện Đa khoa, Chuyên khoa với đội ngũ Y Bác sĩ chuyên môn sâu, trang thiết bị tiên tiến giúp phát hiện bệnh chuẩn xác, đem lại hiệu quả điều trị cao. 

+ Cơ sở 1: Bệnh viện đa khoa TTH Vinh

Hotline: 0948 956 622

Địa chỉ: Số 105 Lý Thường Kiệt, Lê Lợi, Thành Phố Vinh, Nghệ An

+ Cơ sở 2: Bệnh viện đa khoa TTH Hà Tĩnh

Hotline: 0912 555 115 

Địa chỉ: Số 01 Ngô Quyền, Thạch Trung, Thành phố Hà Tĩnh, Hà Tĩnh

+ Cơ sở 3: Bệnh viện đa khoa TTH Quảng Bình

Hotline: 02323 679 115 

Địa chỉ: Số 99 Điện Biên Phủ, Phú Hải, Thành phố Đồng Hới, Quảng Bình

Bệnh Lý Thường Gặp